Thuốc lợi tiểu là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ, được sử dụng khá phổ biến trong điều trị một số bệnh tim mạch.
Thuốc lợi tiểu là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ, được sử dụng khá phổ biến trong điều trị một số bệnh tim mạch, giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể để tim bơm máu hiệu quả hơn và kiểm soát huyết áp, xử trí triệu chứng phù do các bệnh suy tim, xơ gan, suy thận... Tuy nhiên nhiều người đã dùng thuốc lợi tiểu sai mục đích, dùng để giảm cân, dễ gặp phải tác hại nguy hiểm khi dùng thuốc.
Thuốc lợi tiểu là thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, do đó làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các không gian bào. Thuốc lợi tiểu có thể chia thành 3 nhóm chính sau:
Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid: Gồm có các thuốc như chlorothiazid, hydrochlorothiazid... Đây là nhóm thuốc lợi tiểu được sử dụng ưu tiên trong điều trị tăng huyết áp do hiệu quả hạ áp cao hơn các nhóm lợi tiểu khác.
Nhóm thuốc lợi tiểu tác động quai Henlé: Gồm có flurosemid, acid ethacrynic, bumetamid... Thuốc có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh hơn nhóm thiazid nên thích hợp dùng trong trường hợp suy tim và phù nặng.
Nhóm thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali: Gồm có spironolacton, triamteren, amilorid... Tác dụng lợi tiểu của nhóm này yếu nhưng do có khả năng giữ kali nên thường được phối hợp với thuốc thuộc nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai Henlé.
Thuốc lợi tiểu được chỉ định dùng trong trường hợp nào?
Điều trị tăng huyết áp: Thuốc làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm khối lượng nước trong cơ thể nên gián tiếp làm hạ huyết áp. Trong một số trường hợp, thuốc lợi tiểu có thể dùng duy nhất nhưng thường được kết hợp với nhóm thuốc khác làm tăng thêm tác dụng của các thuốc hạ huyết áp.
Người bệnh bị suy tim: Thuốc lợi tiểu gián tiếp làm giảm khối lượng máu lưu hành, tạo điều kiện cho tim đã bị suy yếu hoạt động tốt hơn. Đồng thời làm giảm sưng phù và tình trạng tích tụ chất dịch (trong phổi) do ảnh hưởng của suy tim.
Trường hợp bị phù: Thuốc lợi tiểu giúp tăng cường đào thải nước bị ứ trong cơ thể do bị bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư)...
Dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân có an toàn?
Hiện nay, không ít chị em giảm cân bằng cách uống thuốc lợi tiểu hoặc dùng các chế phẩm cao, sâm, trà thảo dược giảm cân trong đó cũng có thành phần thuốc lợi tiểu. Việc sử dụng thuốc thường theo mách bảo, không có chỉ dẫn của bác sĩ nên rất nguy hiểm.
Dùng thuốc lợi tiểu là muốn lấy bớt nước thừa ra khỏi cơ thể, khi lượng nước trong cơ thể giảm thì cân nặng sẽ giảm. Tuy nhiên nếu dùng thuốc lợi tiểu quá mức có thể gây giảm thể tích dịch cơ thể dẫn đến tụt huyết áp làm chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê. Đối với người bệnh đái tháo đường, do một số thuốc lợi tiểu gây tăng đường trong máu, nên có thể làm nặng tình trạng tiểu đường. Với người bình thường hoặc có mức đường huyết chạm ngưỡng tiền đái tháo đường mà chưa được phát hiện, nếu dùng thuốc lợi tiểu quá mức có thể làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường dẫn đến rối loạn các chất điện giải trầm trọng, làm đường huyết tăng lên rất cao, dễ dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Hơn nữa, do làm tăng bài tiết nước trong cơ thể nên thuốc lợi tiểu có thể gây mất cân bằng hoá học trong máu, như làm tăng thải trừ những chất điện giải, giảm canxi, magiê và nhất là giảm kali huyết. Dấu hiệu của tình trạng mất cân bằng điện giải là đau đầu, yếu cơ, tụt huyết áp, chuột rút, khát nước, chán ăn, mạch nhanh, lú lẫn, đánh trống ngực... Vài loại thuốc lợi tiểu có thể làm tăng acid uric trong máu và do đó làm tăng nguy cơ bị bệnh gút (bệnh thống phong). Mặt khác, thuốc lợi tiểu là thuốc phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, chỉ dùng cho người bị suy tim, tăng huyết áp, phù bệnh lý. Tác dụng giảm cân của thuốc là gây mất nước, vì thế cân nặng có thể trở lại như cũ sau khi dừng thuốc.
Các trường hợp dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược để giảm cân cũng không thực sự an toàn và cần cảnh giác, cần xem kỹ thành phần trong mỗi chế phẩm. Bên cạnh các hoạt chất tây y (có thể là thành phần của viên thuốc lợi tiểu), dược thảo lợi tiểu gồm có: rễ cỏ tranh, mía lau, mã đề, artiso, cúc hoa...Các chế phẩm này nếu lạm dụng cũng vẫn có ảnh hưởng đến sự cân bằng các khoáng chất và chất điện giải, cũng như làm mất lượng nước cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Vì vậy, việc tùy tiện sử dụng các thuốc này cũng gây hại cơ thể.
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Có nhiều thuốc lợi tiểu mà việc chọn lựa sẽ tuỳ theo vào sự chỉ định điều trị, vào nồng độ thải natri mong muốn, vào thời gian tác dụng của thuốc, vào tác dụng phụ đặc hiệu của mỗi loại thuốc và vào tình trạng chức năng thận của người bệnh. Chỉ có thầy thuốc là người am hiểu cơ chế tác động của từng nhóm thuốc mới chọn thuốc thích hợp. Vì vậy không được tự ý dùng thuốc lợi tiểu, nhất là cho mục đích giảm cân. Trong điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, nên báo cho thầy thuốc biết tác dụng ngoài ý muốn để được xử trí bằng cách thay thuốc khác, chứ không nên tự ý bỏ thuốc. Trong khi dùng thuốc lợi tiểu, người bệnh cần thường xuyên đo huyết áp và kiểm tra chức năng thận theo tư vấn của bác sĩ. Những xét nghiệm này rất quan trọng vì thuốc lợi tiểu có thể thay đổi nồng độ kali và magie trong máu.
Người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn ít muối, ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để được bổ sung kali. Hoặc dùng thuốc lợi tiểu mà thấy có triệu chứng chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh thì phải đi khám ngay, vì có thể đó là dấu hiệu mất kali do dùng thuốc lợi tiểu. Trong khi đó, kali lại đóng vai trò rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt.
Trường hợp phải dùng thuốc lợi tiểu lâu dài, cần tránh dùng các thuốc có tương tác bất lợi, không tự ý dùng đồng thời các thuốc khác mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
DS. Trần Minh Thành
Theo suckhoedoisong.vn