Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.
Tất cả trẻ em cần được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Ảnh: VGP/Thuý Hà
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin hình hình bệnh nhân mắc viêm gan virus tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, có 5 loại viêm gan virus, trong đó, virus viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan B mạn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan C mạn tính trên toàn cầu; tử vong do viêm gan virus B và C khoảng 1,4 triệu người/năm.
Còn theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C do Bộ Y tế phối hợp với WHO thực hiện, ước tính hiện nay có khoảng 8,7 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do virus viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do virus viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.
Viêm gan virus là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất. Virus viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm virus viêm gan B và C.
Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan virus là rất lớn, nhưng chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mạn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cập điều trị.
Theo khuyến cáo của WHO, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan virus B và C.
Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B và C bao gồm tiêm vaccine viêm gan B đầy đủ, đúng lịch, trong đó có liều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.
Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao như Việt Nam, WHO khuyến cáo: Tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vaccine phòng bệnh nay trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.
Theo WHO, năm 2016 tỷ lệ bao phủ vaccine viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh mới chỉ đạt 39%. Bên cạnh đó, việc phòng chống viêm gan virus còn gặp khó khăn khi năm 2015 độ bao phủ vaccine viêm gan B đạt tới trên 95%, nhưng tỷ lệ tiêm mũi sau sinh chỉ đạt 65%.
Hiện nay, dù chưa có vaccine dự phòng cho viêm gan C, nhưng bệnh này có thể chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên virus này. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc mới hiện vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị cao.
Thúy Hà
Theo baochinhphu.vn