Phải thừa nhận âm nhạc suốt hàng ngàn năm qua đã ăn sâu, bắt rễ vào cuộc sống và đóng một vai trò không thể thay thế trong tiến trình xã hội hóa của loài người.
Phải thừa nhận âm nhạc suốt hàng ngàn năm qua đã ăn sâu, bắt rễ vào cuộc sống và đóng một vai trò không thể thay thế trong tiến trình xã hội hóa của loài người. Chúng ta thường biết đến âm nhạc như một phương tiện giải trí đầy tính nghệ thuật, như những mảnh ghép lớn nhỏ, sáng tối của bức tranh cuộc sống muôn màu, như một thứ ngôn ngữ đồng điệu của tâm hồn, của trái tim và khối óc, từng bước xóa nhòa mọi khoảng cách giữa người với người. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, âm nhạc còn có một vai trò khác vô cùng đặc biệt: góp phần thúc đẩy sự phát triển trí não của con trẻ.
Một công trình nghiên cứu tác động của âm nhạc lên trí não trẻ đã được Viện Não và Sáng tạo (BCI) thuộc Đại học Nam California (Mỹ) triển khai kể từ năm 2012. Đối tượng nghiên cứu là 37 trẻ em đang ở trong giai đoạn 6 – 7 tuổi, cư trú tại Los Angeles – thành phố lớn nhất tiểu bang California. Trong số này có 13 em mới bắt đầu tham gia các khóa học thanh nhạc. 24 em còn lại được chia làm 2 nhóm: 11 em chơi bóng đá và 13 em không tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào.
Sau 2 năm, nhóm nghiên cứu tiến hành chụp não từng em nhỏ để kiểm tra xem có tiến triển gì không và phát hiện ra rằng hệ thống thính giác của nhóm học thanh nhạc phát triển hơn hẳn so với hai nhóm còn lại.
“Âm nhạc kích thích sự phát triển của thính giác. Thính giác ‘thăng hoa’ đồng nghĩa với khả năng nhận thức, sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng đọc của trẻ cũng sẽ được cải thiện đáng kể.” – bà Assal Habibi, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Và còn hơn thế nữa…
Ngoài tác động tích cực tới cơ quan thính giác, âm nhạc được cho là làm gia tăng kích thước não – một trong những nhân tố quyết định trí thông minh của con người. Các nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (Mỹ) đã chứng minh: khu vực chứa 70% tế bào thần kinh não bộ của những người trưởng thành từng học thanh nhạc có thể lớn hơn 5% so với người bình thường.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ được học thanh nhạc sớm thường thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra chuẩn hóa như SAT, GMAT, GRE hay TOEFL, đồng thời thành tích học tập qua các khóa cũng có dấu hiệu tăng lên.
Một vai trò nữa của âm nhạc mà chúng ta không thể không nhắc đến là cải thiện sự tự tin ở trẻ. Âm nhạc giúp trẻ tự tin hơn, nhờ vậy, chúng sẽ dễ dàng đối mặt và giải quyết những khó khăn, va vấp trong cuộc sống bằng những phương thức văn minh và đầy nghệ thuật.
Theo suckhoedoisong.vn