Cập nhật: 05/09/2016 08:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bình Ba, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), tên gọi nghe quen thuộc. Bởi, Bình Ba có đặc sản tôm hùm và là một vùng biển đảo non nước hữu tình. Còn Vạn Ninh cũng thuộc tỉnh Khánh Hòa sau 20 năm phát triển tôm hùm, nghề này đã có những bước phát triển đáng kể và phát sinh những hình thức nuôi mới, từ nuôi cắm cọc vây lưới ở nhũng nơi nước cạn, nay đã chuyển sang nuôi bằng lồng bè ở nơi nước sâu, kín gió, tôm nhanh lớn, mang lại nguồn lợi đáng kể cho người nuôi. Người nuôi tôm hùm lồng ở tỉnh Phú Yên luôn gặp phải rủi ro do nguồn nước bị ô nhiễm. Trong khi đó, tôm hùm giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, giá tôm thương phẩm không ổn định, người nuôi thường xuyên chịu nhiều rủi ro.

Ngư dân ven biển miền trung thu hoạch tôm hùm.

Trong những ngày tháng 9, chúng tôi đến vùng biển Nam Trung bộ để ghi nhận những đổi thay, bất cập trong việc nuôi và tìm hướng đi cho việc nuôi tôm hùm ven biển Nam Trung bộ.

Câu chuyện nuôi tôm hùm làm sao cho đúng kỹ thuật; làm sao vừa có năng suất cao vừa bảo vệ được môi trường là những câu chuyện dài mà người dân Cam Bình đưa ra bàn bạc với chính quyền, cùng chính quyền quyết tâm làm để xây dựng đời sống kinh tế của xã mình.

Nói chuyện con tôm hùm, hồi năm 1999, Bình Ba có khoảng 20 tấn tôm hùm. Theo thời giá, người dân Bình Ba có trong tay hơn bảy tỷ đồng. Còn năm 2015, Bình Ba có không dưới 250 tấn tôm hùm. Những tháng đầu năm 2016 cũng không kém, như vậy sản lượng tôm hùm Bình Ba tăng lên hơn chục lần. Nguồn thu nhập từ tôm hùm, theo đó, cũng tăng lên tương ứng. Những tháng đầu năm 2016, Bình Ba thu trên 200 tỷ đồng từ nuôi tôm hùm. Đem chia con số này cho 850 hộ, với 3.600 nhân khẩu của đảo Bình Ba mới thấy sự đóng góp của con tôm hùm là quan trọng thế nào trong đời sống người dân nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hữu Thông bộc bạch: Bình Ba có số hộ thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm rất nhiều, không thể kể hết. Còn số người có thu nhập mỗi năm hơn một vài tỷ đồng cũng không phải hiếm. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đã đạt tới 42 triệu đồng. Mà nguồn thu nhập chính của dân xã đảo chính là nguồn thu từ tôm hùm. Xã đang muốn xây dựng thương hiệu tôm hùm Bình Ba. Người dân muốn vậy và chính quyền cũng đồng tình.

Còn nói đến nuôi tôm hùm vùng này, anh Nguyễn Hữu Thông nói thêm, người dân nơi đây thường nhắc đến Nguyễn Ngọc Huy, sinh năm 1972, năm 2005-2006, Huy bước vào nghề nuôi tôm hùm nhưng tôm nuôi chết sạch do bệnh và không có kinh nghiệm chăm sóc, Huy trắng tay. Chạy vạy vay mượn từ nhiều nguồn, Huy lần hồi làm lại từ đầu. Hiện, Huy có tới 100 ô nuôi, khoảng 6.000 con tôm hùm, tính sản lượng chừng năm tấn. Huy thu khoảng năm tỷ đồng. Quy đó cho thấy phải lấy con tôm nuôi con tôm anh à.

Tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Huy, người nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa mà chúng tôi nói ở trên, cho biết: “Nuôi tôm hùm phải chịu khó, trong chọn thức ăn cho tôm, phải chính mình chọn cơ, luôn kiếm tra lồng và làm vệ sinh lồng sạch sẽ, trong đó khâu quan trọng là chọn giống tôm”.

Năm 1992, ngư dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thu từ nguồn lợi tôm hùm tự nhiên khai thác được rất nhiều. Một số ngư dân khai thác những con tôm hùm nhỏ quá, thương lái không mua. Thế là họ dùng lồng bằng nilon cắm cột gỗ vây lại để nuôi cho tôm lớn đạt kích thước thương phẩm, sau ba đến bốn tháng, tôm phát triển theo đúng yêu cầu, đem bán giá rất cao. Người dân Xuân Tự, Vạn Hưng sau đó có phong trào nuôi tôm hùm toàn xã rồi lan sang các xã khác và nghề nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh hình thành từ đó.

 

Nguyễn Ngọc Huy, người nuôi tôm ở Bình Ba, kiểm tra tôm hùm và cho tôm ăn.

Như vậy, sau hơn 20 năm nghề nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phát triển đáng kể và chuyển sang hình thức nuôi mới, từ cắm cộc vây lưới ở nhũng vùng nước cạn sang nuôi bằng lồng bè ở những nơi nước sâu, kín gió, tôm phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cho người nuôi. Theo thống kê, hiện Vạn Ninh có 11.900 lồng nuôi tôm hùm.

Nói về việc nuôi tôm hùm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa Võ Lục Phẩm cho biết: Thu nhập từ tôm hùm là nguồn thu đáng kể cho ngư dân Vạn Ninh, huyện có nhiều chính sách để phát triển và giúp ngư dân, song đến nay đã phát sinh những bất cập, nhất là việc tôm lồng quá dày gây ô nhiễm, nguồn thức ăn hoàn toàn lấy từ ốc, sò của biển, ngư dân không chú ý vệ sinh nên ô nhiễm ngày càng nhanh. Huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng quy hoạch lại việc nuôi tôm hùm, đặc biệt đề nghị Trung ương nghiên cứu sản xuất tôm giống để ngư dân chủ động nguồn giống .

Chúng tôi về Vạn Thạnh, nơi có địa danh mà nhiều người biết đến, vịnh Vân Phong, nơi đây có có 442 hộ nuôi với 3.420 lồng nuôi tôm hùm, nhiều nhất của tỉnh Khánh Hòa.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa Lê Hoàng Vương cho biết: Nuôi tôm hùm đã mang lại đời sống tốt hơn cho nhiều người dân trong xã, giảm nghèo cũng từ đó, song đến nay đã nẩy sinh nhiều bất cập, như ô nhiễm, tiêu thụ thì xã không quản lý được, người nuôi tôm bán ngay cho thương lái trên các lồng bè nên xã không biết…

Trao đổi với anh Nguyễn Hỷ, chủ nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bộc bạch: Cho dù gia đình hằng năm thu về hàng trăm triệu đồng từ nuôi tôm hùm, hằng ngày phải bỏ ra 15 đến 20 triệu đồng để mua thức ăn cho tôm. Song, nay việc nuôi tôm tôi đã cảm thấy có nhiều bất cập, đề nghị chính quyền phải vào cuộc quyết liệt, trong đó nên thành lập hiệp hội hay HTX gì đó để giúp cho người nuôi tôm hùm biết thêm nhiều thông tin.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Ý khẳng định: Có thể nói, do UBND huyện Vạn Ninh đã quy hoạch được vùng nuôi tôm hùm lý tưởng, đó là nơi kín gió, có dòng nước chảy nhẹ, gần bờ và các ngành chức năng của huyện đã có quy hoạch chi tiết cho các vùng nuôi tôm trong đó chú trọng hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh nên người nuôi tôm ở đây đã giàu lên và giải quyết cho hàng nghìn lao động với thu nhập 5,6 triệu đồng/tháng. Song đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập, chúng tôi đã và đang tham mưu cho huyện phải quy hoạch lại việc nuôi tôm hùm và có những hỗ trợ cho người nuôi nhằm phòng tránh những rúi ro.

Từ thực tế nuôi tôm của ngư dân ven biển miền trung nam bộ, thiết nghĩ, để nghề nuôi tôm ít phải chịu rủi ro, các ngành chức năng cần quy hoạch nghề nuôi tôm hùm theo hướng phát triển bền vững.

NGUYỄN HỒNG - PHONG NGUYÊN - TRÌNH KẾ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm