Đồng Xâm được biết đến là nhờ làng nghề chạm khắc bạc truyền thống có bề dày hơn 400 năm. Mặc dù vật đổi sao dời, nghề chạm bạc đã có phần thưa thớt, nhưng tiếng búa chạm đồng vẫn còn rộn rã trong nhiều hộ gia đình.
Thợ chạm khắc bạc cần mẫn tạo nên từng sản phẩm tại Đồng Xâm
Âm thanh đặc trưng khi bước chân vào làng nghề Đồng Xâm là những tiếng đục, đẽo của các thợ chạm khắc. Khắp những đường làng ngõ xóm âm thanh đó liên tục vang lên đủ để thấy không khí lao động sôi nổi của những nghệ nhân nơi này.
Tương truyền nghề chạm bạc Đồng Xâm đã có từ thế kỷ 15. Dân gian tương truyền, có một người đàn ông từ châu Bảo Lạc* đi thuyền nan xuôi dòng, dừng bên bờ Trà Lý rồi truyền nghề chạm kim khí cho dân làng. Còn theo văn bia tại đền thờ tổ nghề chạm bạc, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu chính là người đã về đây truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc, theo mô hình, một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ...
Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, để dải sự tài hoa trên khắp đất nước. Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Và cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay.
Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim... nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm, người Đồng Xâm luôn giữ bí mật nghề. Đến nay, kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Đồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền.
Sau nhiều năm thăng trầm từ chiến tranh đến thời bao cấp, làng nghề Đồng Xâm đã từng đình đốn, lao đao và chỉ đổi khí sắc khi bước vào cơ chế thị trường. Mô hình kinh doanh hộ gia đình bắt đầu phát huy. Nhìn vào đồ bạc Đồng Xâm rất bắt mắt ở độ tinh xảo, khéo léo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ doanh nghiệp chạm bạc ở Hồng Thái từng cay đắng thừa nhận, nghề chạm bạc cũng… bạc. Mà sự bạc ở đây cũng chỉ xoay quanh chuyện làm ăn kinh tế, đặc biệt là nhu cầu, quan niệm về cái đẹp của người tiêu dùng đã thay đổi, các món đồ khéo tay trở thành đồ sưu tập, đồ trưng bày tủ kính và dòng chảy giữa làng nghề với thị trường bị cắt đứt giữa các sản phẩm trang trí hiện đại.
Hiện nay, sản phẩm thế mạnh của Đồng Xâm xoay quanh chất liệu đồng, nhắm vào phân khúc đồ thờ cúng (đỉnh, vạc, lư hương, các con vật thiêng trong tứ linh), đồ trang trí dây chuyền, hoa tai, nhẫn, châm, vòng, thánh giá, lắc và loại “hàng mỹ nghệ” được sản xuất hàng loạt theo công nghệ dập khuôn trước, thợ thủ công trạm trổ sau. Về thẩm mỹ, các doanh nghiệp vẫn xoay quanh việc phát triển họa tiết hoa văn đánh vào nhóm người trung tuổi, có xu hướng hoài cổ.
Một sản phẩm tinh xảo của nghệ nhân Đồng Xâm
Không chỉ vậy, đường tìm ra thị trường của làng nghề Đồng Xâm vẫn còn nhiều ngõ quặt. Nguyễn Văn Tuân là một trong thế hệ kế cận của trong làng nghề Đồng Xâm cho biết, người thợ thì chỉ lão luyện trong nghề, nhưng đi ra thị trường thì vốn liếng kiến thức bằng không. Những hộ gia đình có mối bán hàng trực tiếp thì còn đủ sống, nếu qua các đầu mối trung gian thì dù hàng có ra nước ngoài thì vẫn bị ép giá chưa bằng một nửa so với giá bán tại cửa hàng mỹ nghệ. Làm cật lực nhiều khi cũng như đổ hàng đi. Nhưng dẫu sao, Đồng Xâm vẫn còn là một trong những làng nghề còn sức sống tại Thái Bình, những chủ kinh doanh vẫn vật lộn với những sản phẩm còn chút đất sống, vẫn còn hy vọng bắc được cây cầu tới các cơ hội luôn có trên thị trường nhằm duy trì vốn liếng 600 năm nghề chạm bạc tài hoa của người Việt.
Thái Bình là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề nổi tiếng (229 làng nghề tại 147/285 xã). Tuy nhiên, sự mai một của các làng nghề có thể thấy ngay trong con số suy giảm lực lượng lao động thủ công. Năm 2011, Sở Công thương Thái Bình đã tổ chức một hội nghị để “Bàn giải pháp với các làng nghề suy giảm” và công bố kết quả khảo sát cho thấy hiện trạng, 78/229 (chiếm trên 30%) làng nghề suy giảm. Nghề giảm mạnh nhất là ươm tơ, sản xuất vó, mây tre đan, thêu xuất khẩu, dệt thảm len, chế biến hải sản… đến nay hầu như không còn một lao động nào làm nghề.
ST