Cập nhật: 10/09/2016 10:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức hội thảo giới thiệu sách mới “Căn tính và bạo lực - Huyễn tưởng và số mệnh" của Nhà kinh tế học được giải Nobel về kinh tế Amartya Sen. 

Ảnh bìa cuốn sách "Căn tính và bạo lực-Huyễn tưởng và số mệnh"

Amartya Sen với tác phẩm "Căn tính và bạo lực - Huyễn tưởng và số mệnh" do Lê Tuấn Huy và Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ nguyên bản tiếng Anh, được Nhà Xuất bản Tri thức ấn hành.

Amartya Sen (sinh năm 1933) là nhà kinh tế học, triết gia Ấn Độ. Năm 1998, ông giành được giải Nobel kinh tế (Giải thưởng về khoa học kinh tế được trao bởi Ngân hàng Thụy Điển) cho những đóng góp về kinh tế phúc lợi, công trình về sự khan hiếm các nguồn lực, nguyên lý phát triển con người, những cơ chế nằm bên dưới sự nghèo nàn và lý thuyết về chủ nghĩa tự do chính trị.

Ông hiện là giáo sư của Đại học Harvard.

Trong cuốn sách này, Amartya Sen bắt đầu với 6 bài thuyết trình về căn tính mà ông đã trình bày tại Đại học Boston trong khoảng từ tháng 11/2001 đến tháng 4/2002 theo lời mời của giáo sư David Fromkin thuộc Trung tâm Pardee.

Nhan đề của loạt bài thuyết trình này là “Tương lai của Căn tính.” Cuốn sách đề cập đến vai trò của căn tính trong những quá khứ và hiện tại và những dự đoán về tương lai.

Điều hấp dẫn của cuốn sách chính là lối viết quy nạp của Amartya Sen. Ông luôn bắt đầu bằng việc đưa ra rất nhiều dẫn chứng dưới dạng câu chuyện hoặc nhận định của các tác giả để rồi đi dần đến các lập luận của mình.

Để cho người đọc như chúng ta có thể hiểu về căn tính, ông không đưa ra một định nghĩa cứng nhắc mà đưa ra khá nhiều các dẫn chứng thú vị.

Theo Amartya Sen, sự phân loại căn tính không chỉ dừng lại ở khía cạnh lịch sử hay tộc người, mà còn có thể phân loại theo rất nhiều cách khác nhau như khu vực cư trú, nghề nghiệp, tư tưởng, niềm tin, sứ mệnh, tôn giáo…

Có thể coi mỗi dạng căn tính này như một "nhóm." Một cách khách quan mà nói, một người có thể có nhiều căn tính, hay thuộc nhiều nhóm khác nhau, chứ không nhất thiết thuộc về một nhóm riêng biệt nào đó tới mức đồng nhất với nhóm.

Amartya Sen đã có những phân tích và ví dụ rất cụ thể, khá thuyết phục về những khía cạnh của căn tính (mục đích và ý nghĩa tự nhiên của việc xác định căn tính của mỗi chủ thể và việc xác định căn tính cá nhân-phân biệt với căn tính của chủ thể khác đã dẫn đến bạo lực và xung đột như thế nào).

Tác giả cũng đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề bạo lực khá hay và cần được nghiên cứu, thực nghiệm để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, những lập luận của Amartya Sen đã bỏ qua những yếu tố quan trọng như văn hóa, truyền thống, tập tục, thói quen xã hội đặc trưng... của một nhóm người/ một dân tộc, một quốc gia./.

LÝ THANH HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/su-hap-dan-cua-cuon-can-tinh-va-bao-luchuyen-tuong-va-so-menh/405232.vnp

Tệp đính kèm