Cập nhật: 15/09/2016 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

  

Thời Lý - Trần:

 Tuy Vĩnh Phúc là vùng đất phiên trấn nhưng cũng đã có nhiều danh sĩ. Riêng về văn học, ngay dưới triều vua Trần Nghệ Tông, Vĩnh Phúc đã có tác giả khá nổi tiếng là Đào Sư Tích. Ông vốn người gốc Thiên Trường, sau chuyển lên sống ở Vĩnh Phúc, đỗ Tiến sĩ năm Giáp Dần (1374).   Hiện vẫn còn bài văn Đình đối kì sách vấn của ông trong khoa thi này. Bài văn thể hiện nhiều quan niệm tiến bộ trong cách dùng người. Có lẽ đó là một trong những lí do khiến ông được vua Trần Nghệ Tông trọng dụng. Khi Nghệ Tông viết sách Bảo Hào điện dư bút (Nhâm Tuất, 1832) đã giao cho ông viết lời tựa. Ngoài ra, Đào Sư Tích còn có bài Cảnh tinh phú (Phú sao Cảnh tinh), là một trong những bài phú xuất sắc thời Lý - Trần. Mượn sự xuất hiện của sao Cảnh tinh, ông cất lên lời ngợi ca vương triều sự nghiệp: Đạo xiển Hiền Hy, trị dật Đường Ngu; Tuấn đế khắc minh, quan công thừa hưu. (Đạo mở Hiên Hy, chính trị vượt hơn Nghiêu Thuấn; Đức tốt sáng ngời, trăm quan vâng theo). Ông còn chỉ ra nguyên nhân có được điều đó là: tại đức bất tại tinh hồ (tại đức không tại sao), rồi khẳng định: trương bất vu thiên nhi và nhân, phù bất tại tướng nhi tại đức (ứng nghiệm không ở trời mà ở người, tốt lành không tại điềm mà tại đức). Lời ngợi ca vì vậy đã ngầm ý can gián, giúp vua sửa đức, trau mình; đồng thời gửi gắm khát vọng, niềm tin vào triều đình và tiền đồ dân tộc.

Thời Lê:

Vĩnh Phúc càng có nhiều gương mặt văn học nổi bật. Tính riêng trong sinh hoạt văn học cung đình thời Hồng Đức, Vĩnh Phúc đã đóng góp tới ba tác giả là Đỗ Nhuận, Nguyễn Bảo Khuê và Nguyễn Tôn Miệt, trong đó vai trò của Đỗ Nhuận rất đáng kể.

Nếu trên địa hạt thơ ca, những đóng góp của các thi nhân Vĩnh Phúc là rất đáng kể thì ở  địa hạt văn xuôi, việc Nguyễn Văn Chất tục bổ Việt điện u linh cũng là một đóng góp rất đáng ghi nhận. Cùng với Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông. Tác phẩm này có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn xuôi chữ Hán, tạo tiền đề cho sự phát triển rầm rộ của bộ phận này trong những giai đoạn sau.

Thời Nhà Mạc:

Khi nhà Lê dần suy vi, nhà Mạc chiếm ngôi làm nảy sinh cục diện Nam Bắc triều; rồi nhà Lê Trung Hưng, họ Trịnh chiếm quyền làm nảy sinh cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn; nhà Lê Mạt và sự nổi dậy của phong trào nông dân Tây Sơn. Suốt mấy thế kỉ tao loạn, văn học Vĩnh Phúc cũng góp ít nhiều gương mặt nổi bật. Đại Việt sử kí toàn thư còn ghi lại bài thơ khẩu chiến của Nguyễn Sư Truyền đọc khi bị Mạc Đăng Dung bắt trong lần bại trận ở Ninh Sơn để bày tỏ thái độ một lòng thờ vua Lê của mình. Trái với Nguyễn Sư Truyền, Hà Nhiệm Đại lại đứng về phía nhà Mạc. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Giáp Tuất (1574) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến Thượng thư Bộ Lễ. Ông còn để lại một tập thơ vịnh 91 nhân vật lịch sử thời Lê Thịnh. Đó là một trong những tập thơ vịnh sử khá đồ sộ còn lại của văn học trung đại Việt Nam. Tiếp nối Đặng Minh Khiêm người Sơn Vi, ông là một trong những người có đóng góp lớn cho sự phát triển của thể thơ vịnh sử nước nhà.

Suốt hai thế kỉ sau khi nhà Mạc bị thế lực Lê – Trịnh tiêu diệt, các chúa Trịnh đứng ra nắm quyền bính và tái thiết đất nước, một số danh sĩ Vĩnh Phúc cũng được đề cử theo các phái đoàn đi sứ Trung Quốc. Trong số đó, Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Tiến Sách là hai tác giả còn giữ lại được nhiều thơ sứ trình hơn cả. Những bài thơ đi sứ của hai ông đều toát lên tình yêu quê hương đất nước sâu đậm, ý thức phụng sự triều chính và quyết tâm vượt qua gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều bài thơ cũng ghi lại được vị thế của nhà ngoại giao đại diện cho một đất nước văn hiến trong khi thù tạc với quan lại ở  những địa phương mà sứ đoàn đi qua. Ngoài ý thức tự tôn dân tộc, thực sự tài năng ứng đối như thế ít nhiều đã góp phần cho tình bang giao thêm hữu nghị, hoà hảo. Cùng với những vần thơ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên và con người rất đỗi đẹp đẽ nơi đất khách, thơ đi sứ đã chứng tỏ được tình yêu thiên nhiên và sự bén nhạy của các nhà thơ, nhà ngoại giao Vĩnh Phúc khi đi công cán nước ngoài. Nhưng bên cạnh những nhà nho hành đạo như thế, cũng có những nhà nho Vĩnh Phúc lựa chọn cho mình con đường ẩn dật, lánh xa cuộc đời trần tục, nhất là những khi triều chính có nhiều rối ren. Tuy gọi là lánh đời, nhưng ý thức tự nhiệm vẫn làm họ không quên trách nhiệm của một người trí thức đối với mảnh đất và con người ở nơi họ lui về nương náu. Hầu như họ đã dốc nhiều phần tâm sức cho sự phục hưng văn hoá, góp phần trau dồi thế đạo nhân tâm. Hoặc trực tiếp mở trường dạy học, lập nhà tàng thư như Tô Thế Huy, hoặc gián tiếp tiếp thu kho tàng kinh nghiệm dân gian để đưa vào sáng tác như Nguyễn Mẫn Chi, họ đã góp phần tích cực cho sự trỗi dậy của văn hoá dân gian, dân tộc.

Thời Nhà Nguyễn:

Tiếp nối truyền thống khoa danh, Vĩnh Phúc cũng có một số nhà nho đỗ đạt, trong đó có một số có sáng tác văn học , tiêu biểu như Nguyễn Khắc Cần, Vũ Lân, Nguyễn Văn Ái. Điểm độc đáo là ngoài sáng tác thơ, các tác giả còn để lại những sáng tác văn xuôi ở  thể du kí, bút kí, địa chí... Trong số này, phải kế đến những bài viết công phu về vùng đất Vĩnh Phúc quê hương như bài kí về vùng Yên Lạc của Nguyễn Khắc Cần, Nhật trình đi chơi sông Thao của Nguyễn Văn Ái, đặc biệt là Lập Thạch dư địa chí của Vũ Lân. Trong sự vận động của văn học. các tác phẩm ấy chứng tỏ sự dần tiếp cận trực diện với đời sống, tạo tiền đề cho sự chuyển động từng bước về phía hiện đại của văn học nước ta trong những năm đầu thế kỉ XX.

 

ST

Tệp đính kèm