Phúc Yên là địa phương có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, có nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Những năm gần đây, thị xã Phúc Yên đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thị xã.
Hiện nay, thị xã Phúc Yên có 26 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 6 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Phần lớn các di tích đều mang dấu ấn văn hóa và tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc như: Di tích chiến khu Ngọc Thanh, chùa Bảo Sơn, đình Khả Do, đình Đạm Xuyên…Tiêu biểu là đình Đạm Xuyên, ở xã Tiền Châu. Đình thờ 3 vị thần là: Cao Bi Hùng Thánh Đại Vương; Dương Uy PhấnVũ Đại Vương và Thủy tinh Thần nữ công chúa. Đình được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 14- 3- 2003. Đình Đạm Xuyên có diện tích 220m2, trên một khu đất rộng 1.000m2. Đình được xây bằng loại gạch vuông cổ, mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao đình được tạo dáng rồng cuốn. Hệ thống cửa bức bàn có chấn song con tiện nhằm tăng sự thoáng mát cho ngôi đình. Hiện đình Đạm Xuyên còn giữ được 3 cỗ ngai thờ (1 ngai bà, 2 ngai ông) đều được sơn son thếp vàng; trong tòa đại đình còn lại 3 câu đối có niên đại hàng trăm năm. Đình còn có 2 cỗ kiệu bát cống, một cỗ có niên đại thời Lê và một cỗ thời Minh Mạng… Đây là khu di tích đang lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa được bảo tồn, khai thác, góp phần phát huy bản sắc dân tộc và nhiều bài học lịch sử về dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của đình Đạm Xuyên. Đình là nơi gửi gắm tâm linh của nhân dân các vùng quanh khu vực, nơi có ý nghĩa lịch sử và văn hóa lớn.
Trong những năm qua, cùng với việc giữ gìn và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa nhân dân thị xã Phúc Yên hỗ trợ hàng tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích của thị xã. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích thu hút sự đóng góp về vật chất và ngày công của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang, sạch đẹp, nhiều di tích trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch. Một trong những nét đẹp trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phật giáo chính là việc đi lễ phật, đây là việc làm ý nghĩa góp phần làm cho văn hóa Việt thêm phong phú. Cùng với việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa thông qua việc tổ chức các lễ hội được các địa phương trong thị xã chú trọng. Toàn thị xã hiện có trên 100 lễ hội truyền thống được tổ chức tại các di tích. Hàng năm, các lễ hội thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh về tham dự, tiêu biểu là lễ hội đền Ngô Tướng Công, diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng Giêng (âm lịch). Lễ hội đền Ngô Tướng Công là dịp để nhân dân vui xuân trẩy hội, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, thị xã Phúc Yên đang gặp một số khó khăn về quy trình, thủ tục và đặc biệt là kinh phí trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử được xếp hạng đã xuống cấp nghiêm trọng như: Đình Tiên Non xã Tiền Châu, chùa Bảo Sơn xã Nam Viêm, đình Hiển Lễ... Một số địa phương trong việc thực hiện tu bổ di tích chưa tuân thủ theo quy định của Luật Di sản, thiếu sự quy hoạch trong thiết kế, chỉ đạo chuyên môn, dẫn đến không ít công trình bị biến dạng. Để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đạt được hiệu quả cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát đánh giá đúng thực trạng các di tích văn hóa; trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá một cách khoa học, từng bước đầu tư có hiệu quả việc trùng tu, tôn tạo, quản lý và khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đồng thời, tăng cường quản lý các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội vùng miền và các lễ hội mang tầm quốc gia, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, tuyên truyền giáo dục rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Ông Lưu Xuân Nhung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Phúc Yên cho biết: Trong thời gian tới, thị xã Phúc Yên sẽ tăng cường hơn nữa việc trùng tu, bảo tồn các di tích đang bị xuống cấp, tiếp tục vận động cán bộ và nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy văn hóa, xã hội phát triển. Cùng với các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, hệ thống di tích lịch sử ở Phúc Yên sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh.
ST