Vùng đồng bằng Bắc bộ vốn được hình thành từ sự bồi đắp, tích tụ của dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, để rồi từ đây xuất hiện một nền văn minh mang bản sắc của dân tộc Việt - Văn minh sông Hồng hay nền văn minh lúa nước. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của con sông huyền thoại đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Sông Hồng được bắt đầu từ vùng Vân Nam - Trung Quốc chảy vào lãnh thổ Việt Nam qua nhiều tỉnh thành phía Bắc rồi đổ ra biển Đông với chiều dài hơn 1000km. Đoạn chảy qua Vĩnh Phúc chủ yếu qua hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, từ đó tạo nên vựa lúa, chiếm đa phần sản lượng lương thực của cả tỉnh.
Lấy nước trên sông Hồng
Đối với cư dân nông nghiệp ở các làng xã ven sông của huyện Vĩnh Tường thì từ xa xưa đến nay, sông Hồng luôn là dòng sông Mẹ linh thiêng, là một dòng sông của lịch sử và văn hóa; trong đó nghi thức lấy nước trên sông mỗi dịp lễ hội của làng xã đã thành một tập quán, một nét đẹp truyền thống từ bao đời.
Với cư dân nông nghiệp thì yếu tố quan trọng nhất đối với sản xuất chính là nước - “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Còn với con người nói chung, cũng chẳng thể tồn tại được nếu thiếu nước. Các di chỉ khảo cổ học về con người đều được phát hiện bên cạnh các nguồn nước, cho dù ở trong hang sâu, núi cao, nhưng phía dưới đều là các sông hồ. Dòng chảy các con sông tạo ra những đồng bằng phù sa màu mỡ để trồng trọt. Khi chưa có các phương tiện tiên tiến, người cổ đại chủ yêu sử dụng thuyền bè trên sông để đi lại, giao thương,…
Lấy nước làng Cam Giá
Các cộng đồng cư dân ven sông Hồng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường vốn được hình thành từ rất sớm, trải qua hàng ngàn năm phát triển dần trở thành các làng xã như ngày nay. Huyện Vĩnh Tường có 29 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã nằm tiếp giáp với đê tả sông Hồng từ ngã ba Bạch Hạc đến xã Vĩnh Ninh với chiều dài 20km. Từ xa xưa cư dân ở đây đã biết sử dụng các vùng đất bãi phì nhiêu để canh tác nông nghiệp, đồng thời khai thác các nguồn lợi do sông Hồng đem lại như đánh bắt cá trên sông, lấy sỏi, cát làm vật liệu xây dựng và cũng lấy dòng sông làm tuyến giao thông chính để đi lại, buôn bán với khắp nơi. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để các làng nghề trong vùng như mộc Bích Chu, Thủ Độ, rèn Lý Nhân có điều kiện phát triển và nổi tiếng đến tận ngày nay.
Biết trân trọng những giá trị lớn lao mà dòng sông Hồng đem lại cho cuộc sống nên cộng đồng cư dân nơi đây từ xưa đến nay đã có những hình thức tôn vinh mang tính biểu tượng và ý nghĩa tinh thần cao đối với nước sông Hồng. Đó là các nghi thức lấy nước, sử dụng nước sông để thực hiện các nghi thức tâm linh của cộng đồng làng xã. Trong văn hóa truyền thống của người Việt, đây là biểu hiện cao của văn hóa ứng xử đối với tự nhiên, môi trường, đồng thời thông qua đó cũng gửi gắm những niềm tin, ước vọng về một cuộc sống ấm no, sung túc, ở mỗi vùng miền, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa mà các nghi thức này được thực hiện theo những cách khác nhau, nhưng đối với cư dân đồng bằng thì có hai cách thức lấy nước chính. Đó là đối với các làng xã mà nhân dân quen gọi là “trong đồng” tức là những vùng đất cổ nằm phía trong đê, sâu trong nội địa thì họ sẽ lấy nước ở giếng làng. Còn đối với các làng xã được gọi là “ngoài bãi” tức là vùng đất được nằm ở phía ngoài đê, được hình thành từ những cuộc di cư, mở đất trên các bãi bồi thì người ta sẽ thực hiện nghi thức lấy nước trên sông. Tuy nhiên dù trong đồng hay ngoài bãi thì các nghi thức này đều liên quan đến tín ngưỡng thờ thần linh, đặc biệt thờ thành hoàng làng, và hầu hết diễn ra vào mùa xuân - mùa lễ hội, gắn với những không gian linh thiêng như đình, đền, miếu nơi ngự của các thế lực siêu nhiên, thần linh.
Nghi thức Tế tại đình Kim Đê
Theo thống kê bước đầu ở Vĩnh Tường có 16 làng/xã ven sông Hồng có tập tục lấy nước trên sông rước về đình, đền để thực hiện các nghi lễ tâm linh, tập chung ở các xã Vĩnh Ninh (3 làng: Duy Bình, Hậu Lộc, Xuân Chiểu), Vĩnh Thịnh (5 làng” Khách Nhi, An Lão, Môn Trì, Hoàng Xá, Hệ), An Tường (4 làng: Bích Chu, Cam Giá, Thủ Độ, Kim Đê) Phú Thịnh (3 làng: Đan Thượng, Bàn Giang, Yên Xuyên) Lý Nhân (Vân Giang). Các làng xã này nằm hoàn toàn phía ngoài đê Tả sông Hồng, trước đây đều thuộc huyện Tiên Phong, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, về sau là huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường. Nghi thức lấy nước trên sông ở các làng này được diễn ra vào trước ngày làng tổ chức lễ hội, thường nhân dịp ngày “kỵ” như: thánh đản, thánh hóa hoặc hiển thánh của thần hoàng làng – vị thần bảo hộ, che chở cho cả làng. Việc lấy nước được bắt đầu bằng hành trình rước một chiếc chóe lớn từ đình/đền ra bến sông. Ở đó họ chuẩn bị những chiếc thuyền có trang trí cờ hội, sau khi thực hiện nghi lễ “độ hà” (xin phép thần sông/ hà bá được lấy nước) người ta đặt chóe lên một chiếc thuyền lớn nhất, trang trọng nhất rồi bơi ra giữa dòng sông (dòng nước hai - nơi được cho là có nước trong và tinh khiết nhất). Sau đó người chủ lễ dùng chiếc gáo có cán dài, chậm dãi múc từng gáo nước sông đổ vào chóe cho đầy. Thường thì người ta sẽ làm một chiếc vòng phao bằng tre hoặc mây có dán giấy ngũ sắc (để trừ tà khí và những uế tạp của nước) thả trên sông rồi sẽ lấy nước ở trong vòng tròn đó. Đám rước nước của các làng xã này rất quan trọng, mang nhiều ý nghĩa nên có rất đông người tham gia. Hôm nào có rước nước thì bến sông hôm đó rất đông vui, náo nhiệt. Quy mô nhất phải kể đến lễ rước nước ở đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh) vào ngày 14 tháng Giêng, đoàn rước hàng trăm người, còn có cả múa rồng, múa lân, cờ quạt phủ kín cả bến sông. Lấy nước xong đoàn thuyền cập bến rồi lại tiếp tục hành trình rước nước về đình/đền. Khi tìm hiểu về các vị thần được thờ ở các làng xã này tất thảy đều liên quan đến sông nước. Nhiều nhất là thờ các vị thủy thần: thủy tề, hà bá, thủy quan (Môn Trì, An Lão, Kim Đê, Vân Giang,…) là các vị thần cai quản sông nước, hầu hết không có lịch sử cụ thể (có trường hợp được lịch sử hóa như Bạch Hạc, Tam Giang) nhưng với quan niệm của người sông nước khi sinh sống, đi lại trên sông thì các vị thần này là người che chở chính. Tiếp đến là các làng xã thờ tam vị đại vương (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh) như đền Ngự Dội, đình Khách Nhi, đình Cam Giá, đình Hậu Lộc, đình Xuân Chiểu, đình Hoàng Xá. Ba vị thần này được coi là ông tổ của nền nông nghiệp lúa nước của cư dân đồng bằng sông Hồng và nghề đánh bắt cá tôm trên sông nước; trong đó Tản Viên là một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng thờ thần linh người Việt. Hay như vị thần hoàng Lý Nhã Lang ở các làng Bích Chu, Thủ Độ, Đan Thượng, Bàn Giang, Yên Xuyên, đó là một vị nhân thần có lịch sử khá rõ ràng, ông là con của vua Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế thế kỷ VI), có công đánh giặc Tùy phương Bắc. Qua các tài liệu lịch sử cho thấy ông là một vị tướng thủy quân tài ba đã về vùng này lập căn cứ sáng ngang với căn cứ Đầm Dạ Trạch của Triệu Việt Vương (thời đó địa bàn sinh sống của người Việt chủ yếu ở vùng sông nước, đầm, phá)… Như vậy ở đây có mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên với cuộc sống tinh thần của cư dân vùng sông nước để tạo nên những giá trị mang bản sắc địa văn hóa.
Nghi thức lấy nước trên sông Hồng
Nước sông khi được rước về các đình, đền sẽ được sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng thần/thành hoàng làng. Trước tiên họ sẽ lấy nước đó làm nghi lễ “mộc dục” nghĩa là tắm gội cho tượng thần (nếu thờ tượng) và “bao sái” (lau, rửa) cho các đồ tự khí, đồ thờ trong thần điện (hương án, chấp kích, bát bửu, bát hương, đèn nến,…). Tiếp đó sẽ thực hiện nghi thức “gia quan” là mặc áo, đeo cân đai, đi giày cho thần rồi phong cờ, tán, lọng và các khâu chuẩn bị khác trước khi thực hiện nghi lễ “cáo tế”. Bởi quan niệm dân gian cho rằng, cứ hết một năm thì phải gột sạch những bụi bặm để sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp hơn. Phần nước còn lại sẽ được đưa vào hậu cung và dùng để thờ cúng vào các dịp tuần, tiết trong năm. Ở lễ hội đền Ngự Dội vào những năm thường thì nhân dân ở đây lại rước chóe nước sang đền Và (thờ Tản Viên ở thị xã Sơn Tây) để tổ chức nghi lễ tế Công đồng tại đây. Theo truyền thuyết thì đức thánh tản sau khi thắng giặc ca khúc khải hoàn trở về Đông Cung (đền Và) đến bến sông thôn Duy Bình đã tắm gội ở đây nên nước dùng cho nghi thức “mộc dục” và thờ cúng trong cả năm của đền Và chỉ lấy nước của đền Ngự Dội rước sang.
Rước nước làng Kim Đê
Mỗi một vùng miền đều có những phong tục, tập quán mang bản sắc riêng hòa chung trong dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Nghi thức lấy nước trên sông Hồng của các làng xã ven đê Tả Hồng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cũng là một nghi lễ dân gian truyền thống được hình thành dựa trên những đặc thù địa lý, môi trường sống. Ở đây, con người thể hiện sự quý trọng, biết ơn đối với những gì thiên nhiên đã ưu đãi, nuôi sống họ để trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống. Thông qua đó còn mang một thông điệp về ứng xử của con người với tự nhiên, trong đó chứa đựng những triết lý sâu xa, bài học kinh nghiệm cho nhiều thế hệ về sau.
ST