Cập nhật: 24/09/2016 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

  

Tác phẩm "Cầu mưa" của họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn.

Lần đầu tiên có một triển lãm về một chặng đường được coi là cây cầu nối của hội họa Việt Nam, trải dài từ năm 1986 đến 2016, với sự góp mặt của 50 họa sĩ đại diện cho những người có tư duy sáng tạo mới, có dấu ấn và bản sắc cá nhân.

Trong suốt chặng đường 30 năm Đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, mỹ thuật đương đại Việt Nam cũng đã có nhiều bước phát triển, thay đổi, vươn ra hòa nhập với thế giới cũng như tiếp nhận những xu hướng mới của mỹ thuật quốc tế. Thời kỳ này cũng đã hình thành một thế hệ tác giả với dấu ấn riêng và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã khai mạc Triển lãm “Mở cửa” – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 – 2016) chiều tối 21-9. Triển lãm bao gồm tác phẩm của những họa sĩ tên tuổi, cả trong nước và ở nước ngoài, cả còn sống và đã qua đời, như Vũ Dân Tân, Hoàng Hồng Cẩm, Nguyễn Quốc Hội, Phạm Luận, Nguyễn Bảo Toàn, Phan Cẩm Thường, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Nguyễn Quân,Đỗ Hoàng Tường, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Khổng Đỗ Tuyền, Đinh Thị Thắm Poong, Đinh Ý Nhi, Ly Hoàng Ly, Mai Duy Minh, Lý Trần Quỳnh Giang, Đinh Quân, Vương Văn Thạo, Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Phương Đông, Phạm An Hải…

Triển lãm cũng là dịp tổng kết, đánh giá thành tựu của mỹ thuật trong 30 năm qua từ năm 1986 đến năm 2016, đem lại cho công chúng, giới mỹ thuật và xã hội có một cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới của đất nước.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đây là triển lãm được tổ chức theo cách khác hoàn toàn so với các triển lãm từ trước đến nay. Không có Hội đồng nghệ thuật mà chỉ có một ban giám tuyển gồm Cục trưởng Vi Kiến Thành, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Trưởng Ban Biên tập tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh) và họa sĩ Phạm Hà Hải (chuyên viên phòng Mỹ thuật ứng dụng và Triển lãm, thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm).

Mỗi thành viên ban giám tuyển đề cử một danh sách họa sĩ, sau đó cùng khớp danh sách với nhau để chọn ra 50 họa sĩ cuối cùng. Ngoài việc cùng nhau trao đổi, đánh giá, đích thân các giám tuyển đã chủ động trao đổi, gặp gỡ với nhiều họa sĩ trong danh sách để nói rõ về tinh thần và tiêu chí của triển lãm. 50 họa sĩ từ đó sẽ tự lựa chọn tác phẩm ưng ý nhất của mình để tham gia triển lãm.

Ở Triển lãm, có những tác giả không hề tham gia bất kỳ triển lãm toàn quốc hay tập thể nào, nhưng sau khi nghe các thành viên giám tuyển nói về triển lãm, đã rất vui vẻ và nhiệt tình tham gia, như họa sĩ Nguyễn Trung, hay người đã lâu rồi không tham gia triển lãm như họa sĩ Trần Lưu Hậu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói: “Đó là một thành công khi kéo được những họa sĩ như vậy tham gia triển lãm”.

Trong các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm, có tới một nửa (25 tác phẩm) được sáng tác trong năm 2016, một tác phẩm được sáng tác trước năm 2000, còn lại được sáng tác từ năm 2000 đến 2015. Các họa sĩ ở độ tuổi từ 30-50 chiếm 2/3 tại Triển lãm này, trẻ nhất là nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, sinh năm 1984.

Họa sĩ Vi Kiến Thành nói: “Đối với mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn đổi mới rõ rệt nhất là từ năm 1990 đến 2010, trước đó, từ năm 1986-1990 là giai đoạn tiếp nhận không khi, tinh thần của đổi mới. Còn giai đoạn từ 2010 đến nay, sự đổi mới đã có phần chững lại. Những sự đổi mới được nêu ra ở đây là đổi mới trong tư duy, sự thay đổi, sang trang về tư duy sáng tạo…”

Các họa sĩ tham gia đã rất hào hứng chia sẻ về Triển lãm. Họa sĩ Hà Trí Hiếu cho rằng, Triển lãm như cuộc tập hợp của những bản ngã, những cái nhìn khác trong tổng thể chung của Mỹ thuật Việt: “Họ đều đã xây dựng được cá tính nghệ thuật để có thể nhìn tác phẩm đọc được tên, và tôi cũng mong họ sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi của mình”. Họa sĩ Lê Anh Vân nhận xét: “Tôi nghĩ Triển lãm Mở cửa sẽ tạo được một không khí cởi mở với những gương mặt cá tính, rõ nét. Tuy nhiên, tôi cho rằng số lượng họa sĩ tham gia vẫn còn hơi ít, vì giai đoạn này thật sự có rất nhiều nghệ sĩ đáng chú ý, kể cả lớp trẻ bây giờ”. Còn họa sĩ Đặng Xuân Hòa bày tỏ: “Tôi rất mừng là triển lãm này đã mở ra, một thế hệ trong hội họa Việt Nam đã được công nhận, không bị những cái nhìn thiển cận như trước”.

50 gương mặt họa sĩ là chưa thể đủ cho một chặng đường dài 30 năm của mỹ thuật đổi mới. Chính vì vậy, đây mới chỉ là bước đầu của những triển lãm dành cho sự sang trang về tư duy trong mỹ thuật.

 

Theo My lan/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm