Việc rà soát, bình xét hộ nghèo tại xã Tân Phong thiếu khách quan và công bằng, người nghèo bị cho ra khỏi danh sách, anh em họ hàng được thế chỗ.
Thời gian qua, cùng với các địa phương khác của tỉnh Sơn La, xã Tân Phong, huyện Phù Yên đã rà soát, bình xét hộ nghèo. Đây là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới, từ đó có giải pháp giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, việc rà soát, bình xét hộ nghèo tại xã Tân Phong lại thiếu khách quan và công bằng, người nghèo thì bị cho ra khỏi danh sách, hộ khá giả, anh em họ hàng với lãnh đạo xã lại thế chỗ.
Bà Đinh Thị Muôn ở bản Vạn có đời sống khó khăn lại cho ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ngôi nhà sàn thủng lỗ chỗ nằm lưng chừng đồi của gia đình bà Đinh Thị Muôn ở bản Vạn, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chực đổ bất cứ lúc nào, song nhiều năm nay vẫn là nơi trú ngụ của hai mẹ con bà và đứa cháu ngoại. Năm nay đã hơn 60 tuổi, song bà Muôn vẫn là lao động chính. Chồng và hai con gái đã mất do bệnh trọng, anh con trai còn lại cũng chẳng đỡ đần bà được việc gì vì thiểu năng trí tuệ. Cháu ngoại hiện đang học đại học Tây Bắc. Hoàn cảnh khó khăn trăm bề, không đủ tiền nuôi con, nuôi cháu, được bữa nay, lo bữa mai.
Theo tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, thì gia đình bà Muôn thừa “tiêu chuẩn” đạt hộ nghèo. Thế nhưng từ năm 2015, gia đình đã được xã cho ra khỏi danh sách hộ nghèo để luân chuyển sang cho những hộ khác.
Bà Đinh Thị Muôn nói: “Xã bảo là đã được nghèo rồi thì xã không biết làm gì đành chuyển nhau, thay nhau làm hộ nghèo thôi. Xã chẳng biết nghèo hay giàu cứ được vào một năm rồi cho ra luôn. Nghèo cũng kệ. Bà cũng chịu, biết làm thế nào, bữa ăn bữa nhịn thôi”.
Chuyện bà Đinh Thị Muôn được xã cho ra khỏi danh sách hộ nghèo sẽ không có gì đáng nói, nếu không có việc nhiều gia đình khá giả trong xã lại được “thế chỗ”. Điển hình là Trưởng bản Vạn là ông Đinh Văn Thực. Ngôi nhà sàn, mái tôn, thưng gỗ đắt tiền, to đẹp nằm ở mặt tiền ngay cạnh trụ sở UBND xã Tân Phong của ông Thực với nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, khiến nhiều người hoài nghi vì sao trưởng bản Thực lại được xã đưa vào danh sách hộ nghèo? Trong khi đó nhà ông Thực chỉ có hai vợ chồng, có sức khỏe, lại kinh doanh buôn bán, cuộc sống từ trước tới nay rất khá giả.
Phải chăng nếu được là hộ nghèo, gia đình vị trưởng bản này sẽ được hỗ trợ như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn các khoản đóng góp công ích, xã bảo lãnh cho vay vốn ưu đãi để làm ăn… Lý giải về điều này, ông Thực cho rằng, vì gia đình đang vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để làm ăn nên được là hộ nghèo: “Riêng năm ngoái là tôi được làm trưởng bản, nỏi thẳng ra là người ta xét hộ nghèo ở đoạn là tôi phải vay ngân hàng để đầu tư làm ăn”.
Trường hợp của gia đình ông Thực cùng với 6 hộ khác ở bản Vạn vừa được công nhận là hộ nghèo tại xã Tân Phong không nhận được đồng tình của người dân tại đây. Chị Hà Thị Khuyên ở bản Vạn nói: “Có hộ tôi cũng nhất trí là hộ nghèo thật nhưng mà có hộ tôi không nhất trí. Như hộ Đinh Văn Quyền, Đinh Văn Hải vừa tách khẩu; Đinh Văn Thực là trưởng bản, Đinh Văn Hoạt đang công tác trong xã”.
Khi những hộ gia đình được xét là hộ nghèo thì đương nhiên sẽ được hưởng những chính sách hỗ trợ của nhà nước qua các dự án. Và đây là một trong những lý do để các hộ gia đình đều muốn trở thành hộ nghèo.
Trao đổi với phóng viên về việc bình xét hộ nghèo tại xã Tân Phong, ông Đinh Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có hơn 600 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thời gian qua, việc bình xét, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được xã triển khai đúng quy trình, bình xét đúng người, đúng đối tượng. Tuy nhiên khi phóng viên đưa ra danh sách những người đáng được hưởng chính sách hộ nghèo lại không được, thì ông Ngân lý giải phải lập danh sách để đảm bảo tiến độ huyện giao: “UBND huyện bảo là ngày này tháng này phải có báo cáo nộp mà chậm là cắt. Do vậy mọi cái chúng tôi cũng làm theo hướng dẫn, công văn của cấp trên”.
Trưởng bản Vạn Đinh Văn Thực cho rằng mình được là hộ nghèo vì vay vốn ngân hàng 100 triệu đề đầu tư làm ăn.
Người dân xã Tân Phong đang đặt câu hỏi về sự minh bạch, hoặc có hay không sự “thế chỗ” người nhà của cán bộ xã Tân Phong trong quá trình bình xét hộ nghèo tại địa phương này?
Chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm giúp những người dân vươn lên thoát nghèo là một chủ trương đúng đắn. Nhưng để thực sự có hiệu quả lại phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai tại các địa phương. Những khuất tất trong việc hỗ trợ cho người nghèo tại xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin./.
Theo Thanh Thủy/VOV.VN