Vùng đất Đại Lại xưa nay thuộc xã Hà Đông (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) không chỉ chất chứa bao câu chuyện huyền bí về triều đại Trần - Hồ, ở đây hiện còn lưu giữ gần như nguyên trạng ngôi đình Thượng Phú cổ với 600 năm tuổi - biểu trưng cho nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc đình làng Việt xưa với nét văn hóa chạm khắc Chăm tinh xảo.
Đình Thượng Phú nhìn từ bên ngoài.
Sự xuất hiện kỳ lạ của văn hóa Chăm
Theo chân ông Phạm Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Hà Đông, chúng tôi được dịp tìm đến đình làng Thượng Phú (thôn Thượng Phú). Ngôi đình nằm ngay ở giữa khu dân dư thôn Thượng phú nên sự chỉ dẫn của cán bộ xã dành cho chúng tôi cũng thu hút được rất nhiều người dân đến xem. Quan sát từ bên ngoài, đình Thượng Phú hiện còn khá nguyên trạng. Mục thị bên trong ngôi đình cổ kính, rêu phong, điều dễ nhận thấy ở đây là phần chất liệu xây dựng đình chủ yếu là gỗ, những cột trụ to lớn hơn người ôm, hệ thống kèo, cột, mái trong được chạm khắc tinh xảo...
Ông Phạm Văn Vĩnh cho biết, đình làng Thượng Phú mang dáng dấp của kiến trúc đình, chùa Đại Việt xưa, gồm có 5 gian, 2 chái, với những nét hoa văn chạm khắc tinh xảo trên vách, mũi kèo, cột…
Những nét văn hóa trên là biểu trưng của văn hoá Chăm. Bên tả mái trong của đình là những chạm khắc cổ kính, sang trọng tạo nên một bức tranh rõ nét về văn hóa cung đình, với những bức điêu khắc long, ly, quy, phượng... Bên hữu, là bức tranh toàn cảnh về những sinh hoạt đời thường của người Việt như, đánh cá, chọi gà, đám cưới, cảnh muông thú quần thảo bên nhau…
Trước thắc mắc của chúng tôi về những chạm khắc văn hoá Chăm (xét về vị trí địa lý, vùng Đại Lại có khoảng cách ảnh hưởng là khá xa so với nền văn hoá Chăm Pa xưa), ông Vĩnh lý giải: Vào khoảng thế kỷ XIV tướng quân Trần Khát Chân sau khi mang quân đi đánh Chiêm Thành (Chăm Pa) để cứu công chúa Huyền Trân, thắng trận trở về ông đã bắt rất nhiều tù binh, đồng thời chiêu mộ về vùng đất Đại Lại không ít những nghệ nhân gốm, mộc có tài… Đó cũng giải thích vì sao tại vùng Đại Lại nay vẫn còn lưu giữ khá nhiều các phế tích chứa đựng nét văn hoá Chăm như: Đình Thượng Phú, xạ nước, giếng vua…
Cần sớm được trùng tu, tôn tạo
Phần đình làng Thượng Phú được xây dựng cách đây khoảng hơn 600 năm, nhằm tưởng nhớ công ơn của cụ thân sinh ra vua Hồ Quý Ly - bà Phạm Bân. Bà sinh ra và lớn lên ở vùng Đại Lại, là một thầy thuốc giỏi có tiếng ở huyện Vĩnh Lộc, quan Thái Y dưới triều vua Trần Anh Tông. Để tưởng nhớ về quê ngoại, khắc ghi công ơn “mang nặng đẻ đau” của mẹ, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng đình Thượng Phú này.
Thời điểm xây dựng, đình chỉ được lợp bằng mái tranh, qua thời gian nhiều lần bị hư hỏng, xuống cấp. Đến thời nhà Nguyễn vào khoảng cuối thế kỷ XIX thì ngôi đình xuống cấp một cách nghiêm trọng. Tương truyền, vào thời điểm này, có một vị quan Quản Hạt đi qua đình Thượng Phú, ông thấy dân làng có ý muốn đóng góp để tu sửa đình nhưng chưa có đủ kinh phí. Hiểu được lòng dân, ông đã đứng lên kêu gọi nhân nhân cùng các hào hiệp, nhân sĩ bốn phương đóng góp sửa chữa.
Sau khi hoàn thành, vị quan này đã cho khắc một tấm bia “Đình làng Tập Phúc” (ý nói tập hợp phúc đức) ghi lại những người đã công đức tu sửa lại đình - đến nay, tấm bia vẫn còn lưu giữ tại đình... Bước sang khoảng giữa thế kỷ XX, một lần nữa những người giàu có trong làng Thượng Phú tiếp tục công đức, tu sửa thay thế lại hệ thống cột gỗ đã bị hỏng xuống cấp nhưng cũng từ đó đến nay, đình Thượng Phú vẫn chưa được trùng tu, tu sửa lần nào.
Ông Phạm Văn Vĩnh trăn trở: Đình Thượng Phú được công nhận là di tích cấp tỉnh, có mối quan hệ mật thiết với quần thể Di tích Ly cung Trần - Hồ nhưng bên cạnh việc Quần thể di tích Ly Cung được đưa vào quy hoạch trùng tu, nâng cấp thì đình Thượng Phú lại không. “Đã nhiều lần nhân dân Thượng Phú họp bàn đóng góp nhưng rất khó khăn, vì hiện tại chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân cũng đang phải đóng góp nhiều khoản khác nhau. Tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chỉ mong sao các cấp ngành văn hóa sớm có động thái xem xét đầu tư, trùng tu lại đình để nhân dân yên lòng, đồng thời bảo tồn bảo tàng được những giá trị văn hoá cha ông”- ông Vĩnh nêu ý kiến./.
ST