Cập nhật: 03/10/2016 08:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiếp chúng tôi vào một buổi chiều muộn, ông Nguyễn Văn Thanh, một nghệ nhân làm gốm lâu năm của làng gốm Lò Cang, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) không ngừng trăn trở về sự phát triển thăng trầm của nghề.

Hương Canh là một trong 22 làng nghề truyền thống được công nhận ở Vĩnh Phúc. Đây là làng gốm cổ sành có tuổi đời hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm như: chum, vại, tiểu, nồi niêu, ấm chén,… Trong dân gian có câu: “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”, bởi gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ bền hương vị của những thứ đựng bên trong.

Bà Nhạn (vợ ông Thanh) miệt mài làm gốm

Gốm tốt là thế, nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như xưa, giờ chỉ còn một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh (70 tuổi) giờ đây không thể làm gốm sau một cơn tai biến quái ác. Thế nhưng, những trăn trở về việc bảo tồn, phát triển làng nghề thì vẫn đau đáu trong ông.

Ông Thanh cho biết, cuối năm 1958, Hợp tác xã thủ công Tam Đồng được thành lập nhằm quy tụ những người làm nghề gốm, sau này được đổi tên thành Hợp tác xã gốm Hương Canh với hơn 180 người tham gia sản xuất gốm. Sau khi được thành lập, giai đoạn phát triển nhất của gốm Hương Canh là vào khoảng thời gian từ 1967 - 1971. Lúc đó, gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, sau đó, do một số yếu tố tác động, gốm Hương Canh đã có những bước thăng trầm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, số người làm nghề mai một dần.

Năm 1987, Hợp tác xã gốm Hương Canh giải thể, người dân Hương Canh chuyển sang sản xuất gạch, ngói để làm kế mưu sinh. Thời điểm đó, cả Hương Canh có hàng trăm lò gạch ngói mọc lên, hoạt động suốt ngày đêm, khói than phủ trắng thôn xóm, nạn khai thác đất diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã thắt chặt việc sản xuất ngói. Gia đình ông Thanh và một số hộ khác ở làng Lò Cang quay trở về với nghề sản xuất gốm sành truyền thống.

Lò đốt bằng than truyền thống

Hiện nay, để sống được với nghề và đảm bảo có tính cạnh tranh, mỗi cơ sở sản xuất gốm ở Hương Canh đều phải đa dạng hóa sản phẩm, chuyển sang làm gốm mỹ nghệ theo đơn đặt hàng. Để giảm khói thải gây ô nhiễm không khí, các lò gốm đã đầu tư thiết bị hiện đại, lắp đặt lò đốt ga thay cho lò đốt than truyền thống. Hiện, thu nhập của các cơ sở làm gốm ở Hương Canh đạt khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm, chỉ đủ duy trì nghề chứ không thể làm giàu.

Thế hệ trẻ Hương Canh hiện nay không tha thiết với nghề làm gốm, họ đến các khu công nghiệp tìm tương lai ở đó. Năm 2002, ông Thanh đã xin giấy phép để mở hai lớp đào tạo tay nghề cho thanh niên địa phương (6 tháng/khóa học) nhưng lớp học không duy trì được lâu vì người học xong không có đủ cơ sở để làm, mong muốn “giữ lửa” cho nghề truyền thống của nghệ nhân già khó lòng thực hiện được. Ông đã từng nhiều lần viết đơn xin thuê đất để mở rộng xưởng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhưng đều không được phê duyệt. “Gốm Hương Canh không thể phát triển, mở rộng là do cơ chế chính sách chứ không phải do sản phẩm chất lượng yếu kém”, ông Thanh tâm sự.

Anh Hồng Quang (con trai ông Thanh) mong muốn: “Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc hãy quan tâm nhiều hơn đến làng nghề truyền thống Hương Canh, để nghề này không bị mai một”.

Như vậy, để làng nghề truyền thống phát triển ổn định và bền vững, trước tiên tự thân các cơ sở sản xuất phải liên kết lại với nhau thành hợp tác xã chuyên nghành hoặc doanh nghiệp ở ngay tại địa phương, đồng thời cần sự quan tâm của các cấp chính quyền bằng các chính sách thiết thực như: quy hoạch mặt bằng sản xuất; hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; quan tâm xét công nhận làng nghề; vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi; gắn quy hoạch phát triển làng nghề với quy hoạch phát triển du lịch để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề...

 

ST

 

Tệp đính kèm