Nghề mây tre đan Văn Quán đã có trên 100 năm lịch sử
Được công nhận là nghề truyền thống với lịch sử hơn 100 năm, nghề mây tre đan đóng một vai trò không hề nhỏ cho phát triển kinh tế của xã miền núi Văn Quán (Lập Thạch), đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Đến nay, xã Văn Quán có 02 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề “mây tre đan thôn Xuân Lan” và làng nghề “đan lát truyền thống thôn Nhật Tân”. Mây tre đan Văn Quán đa dạng về chủng loại phục vụ nông nghiệp và dân dụng như: rổ, rá, lồng gà, bu gà, dát giường, chao đèn, bàn ghế… Tùy theo từng thời điểm và nhu cầu của thị trường mà người làm nghề có sự chuyển đổi một cách linh hoạt. Tuy nhiên, sau khi nghề mây tre đan xuất khẩu phát triển, làng nghề “mây tre đan thôn Xuân Lan” đã chuyển sang đan lát xuất khẩu.
Cũng giống như Triệu Đề, nghề mây tre đan ở Văn Quán đã có từ lâu đời. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đan lát trở thành nghề phụ lúc nông nhàn, góp phần tăng thêm thu nhập cho không ít hộ gia đình. Nếu làm chuyên thì mỗi tháng 01 lao động thu nhập cũng được khoảng 3 triệu đồng. Nếu làm tranh thủ lúc nông nhàn 01 lao động thu nhập cũng được khoảng 1,8 triệu đồng. Đối với nhiều hộ gia đình, dù chỉ là nghề phụ, làm tranh thủ những lúc không phải ra đồng, song đó lại là nguồn thu nhập chính.
Không thể phủ nhận nghề mây tre đan xã Văn Quán đã đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo được nhiều việc làm tại chỗ cho nông dân, giải quyết phần lớn khó khăn về thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Nhờ có nghề truyền thống nhiều hộ gia đình đã nuôi được con em ăn học đại học, kinh tế khá giả góp phần lớn vào công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, nghề mây tre đan còn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương.
Để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề, địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, vận động nông dân mở rộng vùng nguyên liệu tại chỗ, có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho công tác phát triển làng nghề.
ST