Ngư dân vốn gắn bó với biển bao đời nay. Do đó, dù có được hỗ trợ về tài chính, hay chuyển đổi nghề mới, họ vẫn mong muốn được sớm trở lại mưu sinh trên biển. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là sớm có các giải pháp để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Hạ thủy tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Lưu Truyền ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Hướng tới khơi xa
Ngày 30-9 vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển với các bộ, ngành và các tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương ứng trước 3.000 tỷ đồng cho bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế để giải ngân cho những đối tượng được hưởng chính sách bồi thường theo Quyết định 1880/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), dự kiến trong tháng 10 này, ngư dân bốn tỉnh sẽ nhận được một phần tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển vừa qua, trong đó có cả đối tượng trực tiếp và gián tiếp. Ðể phương án đền bù bảo đảm công bằng, đúng người, đúng mức độ thiệt hại, các địa phương đã kê khai, đánh giá, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục, phương pháp, nguyên tắc công khai minh bạch từ cơ sở.
Tuy nhiên, đền bù mới chỉ là khắc phục hậu quả trước mắt. Về lâu dài, điều cần thiết nhất vẫn là làm thế nào để ngư dân tiếp tục bám biển làm ăn. Trong điều kiện hiện nay, một trong những giải pháp được Bộ NN và PTNT đưa ra là chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ.
So với các tỉnh bị ảnh hưởng, Hà Tĩnh có số lượng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ khá khiêm tốn, vì ngư dân trong tỉnh lâu nay chỉ quen đánh bắt hải sản vùng lộng và ven bờ. Do vậy, chuyển đổi, cải hoán ngư cụ để bà con vươn khơi bám biển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Từ “cái khó”, Hà Tĩnh đã “ló cái khôn”, với việc ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân đóng mới, cải hoán tàu cá. Tỉnh đã áp dụng các định mức hỗ trợ cụ thể đối với các hộ dân, tổ chức đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, như sau: Ðối với tàu công suất từ 400CV trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu. Tàu công suất từ 250CV đến dưới 400CV, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu. Tàu công suất từ 90CV đến dưới 250CV, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu. Thời gian hỗ trợ trong hai năm, mỗi năm bằng nửa số tiền hỗ trợ. Ðối với các hộ dân, tổ chức khi vay vốn để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị… sẽ được hỗ trợ lãi suất vay 6 đến 7%/năm, kéo dài trong 15 năm. Tổng mức hỗ trợ lãi suất tối đa cho mỗi tàu không quá một tỷ đồng. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất từ 90 CV trở lên, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng cho mỗi CV tăng thêm. Ngoài ra, khi mua các thiết bị thông tin liên lạc trang bị cho tàu thuyền với giá trị tối đa 30 triệu đồng/tàu và đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hà Tĩnh Lê Ðức Nhân cho biết: Sau khi chính sách hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá được ban hành, trên địa bàn đã đóng mới 28 tàu cá hơn 90CV, cải hoán sáu tàu cá lên hơn 90CV.
Tại xã Phú Diên, một trong bảy xã, thị trấn vùng ven biển của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, phần lớn bà con ngư dân đều có nguyện vọng được vay vốn nâng cấp, cải hoán tàu, thuyền để vươn khơi, đánh bắt hải sản có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, điều này không dễ vì đầu tư cải hoán, thay mới tàu thuyền công suất lớn cũng như đầu tư ngư lưới cụ đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên Hoàng Trọng Ðoài cho rằng, muốn thực hiện giải pháp này, Nhà nước cần tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu thuyền công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi.
Ðồng quan điểm với Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Ðồn (tỉnh Quảng Bình) Nguyễn Văn Khánh cho rằng, muốn đánh bắt xa bờ thì ngư dân phải đầu tư tàu lớn hơn với số tiền lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay ngư dân đánh bắt gần bờ phần lớn là những người đã nhiều tuổi, gia cảnh khó khăn, cho nên không phải hộ nào cũng có vốn để mua sắm tàu to máy lớn. Mặt khác, các ngư dân vốn quen đánh bắt gần bờ từ nhiều năm nay, khi chuyển sang đánh bắt xa bờ chắc chắn sẽ gặp khó khăn về cách sử dụng tàu công suất lớn, kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sản phẩm hải sản dài ngày... Do đó, ngoài việc Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để nâng cấp tàu cá, cần sớm tập trung triển khai đào tạo nghề thì mới mong chuyển đổi hiệu quả.
Về phía ngư dân, anh Ngô Thất (thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: Chuyển từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ thực chất là mong ước lâu nay của bà con ngư dân chúng tôi vì đánh bắt xa bờ cho giá trị kinh tế cao hơn, nhưng vì do vốn lớn nên bà con còn e ngại. Nay Nhà nước và các cơ quan chức năng có định hướng hỗ trợ về vốn vay và đào tạo nghề thì chúng tôi sẽ được tiếp thêm động lực để quyết tâm bám biển, vươn khơi xa.
Nhiều chính sách đột phá, thiết thực
Trao đổi với chúng tôi về hướng chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, Thứ trưởng NN và PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Sẽ có chính sách hỗ trợ các chủ tàu cá có tàu không lắp máy, hoặc lắp máy công suất dưới 90CV được vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV. Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Về hạn mức lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau: vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 15 năm. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay; hoặc được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ) nhưng không quá hai tỷ đồng/tàu. Thủ tục vay vốn sẽ đơn giản, thuận lợi hơn để mang lại hiệu quả cao nhất có thể.
Theo Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, cùng với việc hỗ trợ ngư dân chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, việc chuyển đổi nghề cũng dựa trên thế mạnh của ngư dân vùng biển. Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ưu tiên các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển. Trong đó có các thị trường tập trung ưu tiên, như: Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-lan... Ðồng thời, Bộ NN và PTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan có kế hoạch sử dụng nguồn lực lao động này sau khi họ kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở về nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề khai thác thủy sản xa bờ theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản.
Bên cạnh đó, Bộ NN và PTNT phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng Ðề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển”. Trong đó, khôi phục hệ sinh thái biển ở khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là một trong những nội dung quan trọng, nhằm bảo đảm nguồn lợi hải sản.
Tuy nhiên, thời gian để nguồn lợi hải sản phục hồi và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như đặc điểm sinh học, sinh sản và sinh trưởng của từng loài, các điều kiện môi trường sống, khả năng tái tạo quần đàn trong tự nhiên và tác động do các hoạt động khai thác của con người. Ðặc biệt, đối với các rạn san hô thì thời gian phục hồi nguyên trạng có thể mất nhiều năm, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. Chính vì vậy, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái, không chỉ cần nỗ lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm của các đơn vị chức năng, mà còn cần sự hợp tác của ngư dân.
Theo đó, Bộ NN và PTNT khuyến cáo ngư dân chưa nên khai thác tầng đáy, như nghề lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển cách 20 hải lý vào bờ ở bốn tỉnh. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, kết hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho ngư dân, trong đó sẽ tăng cường lực lượng kiểm ngư để hỗ trợ. Mặt khác, thúc đẩy và triển khai áp dụng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm khai thác hải sản bền vững và bảo vệ nguồn lợi vùng ven bờ; triển khai việc quy hoạch và thành lập các khu duy trì, bảo vệ nguồn giống thủy sản trên các vùng biển nước ta.
Bài, ảnh: Ánh Tuyết, Hậu Giang và Châu Hai
Theo nhandan.com.vn