Cập nhật: 09/10/2016 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm qua, du lịch làng nghề đã và đang thu hút được sự quan tâm của du khách và các hãng lữ hành, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả du lịch làng nghề cần có những giải pháp tháo gỡ các trở ngại và những hạn chế để các làng nghề thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn.

Gian hàng làng nghề gốm sứ Bát Tràng tại Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội.

Hiện nay, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó 1.748 làng nghề được công nhận và hơn 4.000 làng nghề truyền thống, với hơn 53 nhóm nghề, ước tính có hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm truyền thống có từ lâu đời. Những sản phẩm làng nghề không chỉ mang giá trị sử dụng, giá trị kinh tế mà còn hàm chứa giá trị văn hóa và là một phần của di sản văn hóa dân tộc. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng: “Làng nghề bao hàm cả một môi trường kinh tế, làng quê, văn hóa, xã hội và công nghệ lâu đời. Văn hóa làng nghề luôn gắn với làng quê, các hoạt động lễ hội, phường hội mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Các làng nghề thường là những làng Việt cổ với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng, làng cách mạng… Ðó là yếu tố cơ bản để du lịch làng nghề phát triển”. Loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của làng quê Việt Nam, đồng thời giúp các làng nghề quảng bá, bán được sản phẩm và không ngừng đổi mới cho phù hợp yêu cầu xã hội.

Hiện nay, bên cạnh việc làm nghề, nhiều làng nghề trong cả nước đang hướng tới phát triển du lịch, thu hút khách đến. Một số làng nghề ở các thành phố, trung tâm du lịch đã và đang trở thành các điểm tham quan nổi tiếng, được đưa vào chương trình của nhiều đơn vị lữ hành như tại Hà Nội: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tạc tượng Sơn Ðồng, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Ðộng, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… Những làng nghề này được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và hằng năm đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, mua bán. Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch làng nghề, nhiều địa phương như Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, TP Ðà Nẵng, Thái Bình, An Giang đã triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến trên in-tơ-nét và ở các sự kiện du lịch để giới thiệu làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm kích cầu du lịch làng nghề.

Tiềm năng rất lớn, tuy nhiên thực tế thì du lịch làng nghề chưa thật sự được khai thác hiệu quả và phần lớn còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng tầm để trở thành các điểm đến hấp dẫn. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải, những hạn chế và yếu kém của du lịch làng nghề thể hiện ở chỗ chưa có một chiến lược phát triển dài hạn và nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch các làng nghề còn thiếu và yếu, hầu như chưa được chú ý từ các cấp, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác. Giá trị làng nghề, sản phẩm làng nghề tuy nhiều và phong phú, nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Nhiều địa phương chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển làng nghề, trong khi cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không bảo đảm cho du lịch. Môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng, hệ thống thoát nước thải rất kém...

Nhiều chuyên gia du lịch và đại diện các hãng lữ hành cho rằng, muốn đưa vào phục vụ cho các hoạt động du lịch thì làng nghề phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí của du lịch. Ở đây không chỉ giới thiệu về sản xuất mà còn giới thiệu cả không gian văn hóa làng nghề. Du khách ngoài việc thăm nơi sản xuất, thậm chí còn có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm, thưởng ngoạn phong cảnh làng quê, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội của các vùng nông thôn. Ðể đón du khách, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại phải được đầu tư cùng những dịch vụ tối thiểu. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ðỗ Ðình Hồng cho biết, Hà Nội đang đề ra những tiêu chí cần đạt tới cho các điểm du lịch làng nghề theo chuẩn quốc tế với các khu chức năng chính, gồm: hệ thống bãi xe phục vụ du lịch, sản xuất và dịch vụ; khu ẩm thực phục vụ nhu cầu của du khách; hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống nội bộ, hệ thống cáp điện và thông tin liên lạc, hệ thống hạ tầng dịch vụ và du lịch (vệ sinh công cộng, các biển báo chỉ dẫn…), hạ tầng vui chơi giải trí, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom rác thải, hệ thống chiếu sáng; khu vực công trình, địa điểm dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khu vực thương mại giới thiệu và bán sản phẩm nghề truyền thống; khu vực bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống; khu vực xây dựng bảo tàng hoặc nhà truyền thống làng nghề.

Sự đầu tư lớn ấy đòi hỏi sự quan tâm của Nhà nước của các bộ, ngành nhất là ngành văn hóa, thể thao và du lịch, của lãnh đạo các địa phương. Có nhiều việc chỉ riêng làng nghề không thể gánh vác nổi như đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn, xử lý ô nhiễm môi trường, sắp xếp lại sản xuất theo hướng doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cần nâng cao nhận thức các vai trò, vị thế của làng nghề và du khách làng nghề trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó Nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp với lĩnh vực này. Bản thân các làng nghề tạo ra sức hấp dẫn của riêng mình bằng những sản phẩm tinh hoa độc đáo, có thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân có tay nghề giỏi đã cao tuổi và đang dần ra đi, cho nên cần có chính sách chăm lo, tôn vinh các nghệ nhân cao tuổi và tạo điều kiện để họ truyền nghề cho thế hệ trẻ kế cận, không để nghề truyền thống bị mai một.

Sản phẩm của làng nghề phải đa dạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của du khách. Thông qua du lịch, các làng nghề càng hiểu thêm sở thích thẩm mỹ của các đối tượng, du khách ở các nước khác nhau, từ đó thay đổi mẫu mã nhiều sản phẩm độc đáo mang hàm lượng văn hóa cao lại bắt mắt. Ðây là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch cùng với việc tổ chức tốt dịch vụ bán hàng lưu niệm vì du khách luôn có nhu cầu. Bên cạnh đó, cần thường xuyên nghiên cứu cải tiến mẫu mã, công nghệ sản xuất sản phẩm và mẫu mã hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ.

Nguyễn Thu Hiền

Theo baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm