Mùa mưa thiếu điện, mùa khô thiếu nước, mỗi năm dời nhà ở một lần tránh gió, người dân đảo Hòn Chuối thiếu thốn đủ bề. Nhưng điều mà họ thiếu nhất, cần nhất là việc học hành của con em. Một lớp học đã ra đời trên đỉnh Hòn cheo leo nhờ sự cố gắng của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Một góc đảo Hòn Chuối. Ảnh: PHƯƠNG BẰNG
Chúng tôi ra đảo Hòn Chuối ngay sau đợt áp thấp nhiệt đới, biển động dữ dội. Từ cửa biển sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), con tàu chồm sóng suốt ba giờ đồng hồ vượt qua 17 hải lý để ra Hòn Chuối. Sau trận say sóng, nôn thốc nôn tháo, vừa ra tới đảo, Thượng tá Tô Thanh Ngoan, Chính trị viên Ðồn Biên phòng vỗ vai: “Mùa dông gió này ra biển cực lắm, sáng dông, chiều dông, nhiều khi bị kẹt lại chục ngày. Vậy mà vui, dân đảo hiếu khách lắm. Mùa mưa bão thì nước ê hề mới dám mời khách ở lại, chỉ ngặt thiếu điện vì nắng ít không đủ để vận hành thiết bị điện mặt trời. Mùa khô thì điện thoải mái, nhưng nước chẳng có, tiết kiệm nước từng chút”. Ðiều anh nói quả không sai, liên tục những hôm chuẩn bị hành lý để về đất liền lại phải hoãn, bởi thông tin thời tiết về dông lốc và biển động trên cấp 5…
Hòn Chuối với những vách đá dựng đứng, một con đường mòn dẫn lên đỉnh Hòn ở độ cao 170 m, nhiều đoạn đường dốc hơn 60 độ và trơn trượt sỏi đá. Cách đây chừng một năm, Bộ đội Biên phòng cùng bà con ngư dân làm bậc đá từ cầu cảng lên triền Hòn. Việc khuân vác đồ đạc từ tàu cá lên đỉnh Hòn Chuối nhờ vậy đỡ cực hơn. Ðảo có khoảng 54 hộ, tổng cộng 167 nhân khẩu, chủ yếu lao động nghề biển. Bà con làm nhà tạm bợ trên những ghềnh đá và di chuyển nơi ở theo mùa. Mùa gió tây bắc mở đầu tháng 9 âm lịch, bà con dời nhà về ghềnh đá phía nam đảo, đến mùa gió đông nam vào tháng 4 âm lịch năm sau lại dời chỗ ở về gành chướng. Việc di chuyển nhằm tránh bão gió, làm ăn dựa vào đoàn tàu cá và làng bè. Nương tựa vào nhau để sống đã gắn kết dân đảo trong làm ăn, những lúc trái gió trở trời, hoặc khi gặp nạn trên biển. Khách đi thăm bất kỳ hộ dân nào, mời cơm là câu đầu tiên của dân đảo, còn trẻ em thì khoanh tay chào. Những năm gần đây, những hộ dân có vốn từ Kiên Giang qua Hòn Chuối đăng ký nuôi lồng bè cá bớp trên biển, kích thích 24 hộ dân trên đảo bỏ vốn ra thuê nhân công nuôi bè cá. Khu vực Hòn Chuối với 183 lồng bè nuôi cá bớp, bè lớn nuôi từ 5.000 đến 10.000 con, bè nhỏ từ 200 đến 300 con. Làng bè cá trên biển đã làm thay đổi đáng kể diện mạo Hòn Chuối. Ban ngày, những người đàn ông làm việc trên bè cá, số trai tráng thì theo tàu câu cá, câu mực. Gần đây, giá cá bớp giảm mạnh, tiêu thụ chậm, khiến không khí làng bè như chùng xuống. Ban đêm, trong ánh đèn chập chờn của máy phát điện, dân làng lại râm ran chuyện trồi sụt của nghề nuôi cá bớp. “Giá cá bớp từ 145.000 đồng đến 150.000 đồng/kg thì nay sụt xuống 110.000 đồng/kg, mà cũng ít người mua, giá thức ăn từ cá tạp lại tăng lên, neo cá lớn hoài trong bè chắc là tiêu vốn hết!”- ông Ba Phương, chủ một bè cá, đồng thời là Tổ trưởng nhân dân tự quản Hòn Chuối tâm sự.
Mới hơn 5 giờ sáng, khi ngư dân còn đang chìm trong giấc ngủ, trẻ em trên đảo lũ lượt từ các nhà chòi trên ghềnh đá đã í ới rủ nhau đến lớp học. Từ mười, hai mươi, rồi cả thảy là 25 học sinh theo bậc đá lên Ðồn Biên phòng. Thầy giáo là một sĩ quan Biên phòng cõng học trò nhỏ nhất đi đầu vượt dốc đến “Lớp học tình thương Ðồn Biên phòng” gần đỉnh Hòn. Ðủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất là 5 tuổi, lớn nhất 12 tuổi ngồi chung một lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 8. Bà Ngô Thị Nhịn, một trong những người dân sinh sống tại đảo từ rất sớm, bảo: “Thời kháng chiến chống Mỹ, đảo này là nơi để người ta trốn quân dịch. Ðảo nghèo, không nước ngọt, ai ra đây làm chi? Hai mươi năm nay, nhờ Ðồn Biên phòng thì mới có lớp học này. Ở đảo xa xôi, đâu ai dám nghĩ tới chuyện cho con cái học tập tử tế. Khó khăn đủ thứ, được cái an ủi cho trẻ nhỏ là đứa nào cũng được học, lại không mất tiền học, Ðồn Biên phòng vận động cho học sinh từ cái cặp, cuốn tập, cây viết, sách giáo khoa. Tất cả trẻ em trên đảo hiện giờ đều là học trò của thầy Phục. Thậm chí, để có tô mì gói cho học sinh ăn đỡ đói, thầy cũng bỏ tiền túi ra... Bây giờ Hòn Chuối cũng mở mày, mở mặt vì có bốn cháu học đại học, trong đó ba cháu đã tốt nghiệp và có việc làm, còn một cháu đang học năm cuối...”.
Bà Nhịn đang nói về thầy giáo quân hàm xanh, Thượng úy Trần Bình Phục công tác tại Ðồn Biên phòng Hòn Chuối. Tôi tình cờ quen Thượng úy Trần Bình Phục qua một đồng nghiệp, nhân dịp anh đi khám bệnh tại Bệnh viện 121 tại TP Cần Thơ. Lần đầu tiếp xúc, chỉ biết người lính này lúc nào cũng quan tâm tới một ngôi trường trên đảo, làm thế nào để có đủ bàn ghế, dụng cụ dạy học và quan trọng nhất là việc học của các em phải được cộng đồng thừa nhận, phải có những nhận xét khách quan và thấu hiểu với đặc thù của công tác giáo dục ở hải đảo. Phục bảo: Em như có duyên nợ với đảo này. Từ đợt cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đi cứu hộ bão số 5 hồi năm 1997, tự nhiên thấy gần gũi bà con ở đây và cảm thấy cuộc sống sẽ thật sự có ý nghĩa nếu được phục vụ họ. Lấy vợ năm 1997, em xin tổ chức ra đảo năm 2009. Ra đây được sáu tháng, chiều buồn, nhớ vợ con, xuống ghềnh đảo uống cà-phê, cứ day dứt hoài trước cảnh trẻ em nói tục, chửi thề, phần lớn không biết chữ. Trước đây, một số em từng được học chữ tại Lớp học tình thương Ðồn Biên phòng Hòn Chuối mở ra vào năm 1995, buổi đầu chừng năm đến sáu em. Lúc đó việc dạy học chủ yếu để các em biết đọc, biết viết, biết tính toán đơn giản, chưa có giáo án bài bản. Khi thầy hết hạn nghĩa vụ quân sự, lớp học bị ngắt nửa chừng. Thấm thía điều này, ngay hôm sau, em xin Chính trị viên Ðồn Biên phòng cho em được kế tục lớp đàn anh đứng lớp dạy lớp học tình thương trên đảo thử một tháng, nếu không được sẽ trả lớp, ai dè nghiệp dạy học dính tới bây giờ.
Lớp học được mở tại Trạm Kiểm lâm đỉnh Hòn, tuần đầu thầy cho chơi, tuần sau cấm chửi thề, uốn nắn dần, dạy chữ, vất vả nhất là "gò" các em ở lớp 1. Tụi nhỏ mưu sinh cùng cha mẹ nên việc học chẳng thể liên tục, có khi nghỉ học cả tháng. Nhiều khi lo vì bà con ngư dân cứ phó thác hoàn toàn chuyện học hành của con em cho Ðồn Biên phòng, thầy phải tìm hiểu lý do, thuyết phục người lớn để đưa trẻ em quay lại lớp, phải dạy bù, dạy ghép, thậm chí Ðồn Biên phòng lo cho các em chỗ ăn, chỗ nghỉ. Vì thế, bà con gọi đây là lớp học tình thương Ðồn Biên phòng Hòn Chuối cũng phải, với 25 học sinh đủ mọi bậc học từ lớp 1 đến lớp 4, một vài em học lớp 8. Thầy Phục dạy năm môn gồm: Toán, Văn, Hóa, Sử, Ðịa, có lúc còn thêm cả môn vẽ nhưng xem ra kham không nổi. Ðến bây giờ, ý thức học hành của trẻ em trên đảo chuyển biến rõ, cứ 6 giờ sáng là gần như tất cả trẻ em trên đảo rủ nhau tới lớp học. Có em rời đảo về đất liền học tiếp rồi thi đỗ đại học. Phục nắm chặt tay tôi: “Em hạnh phúc lắm anh à!”.
Buổi tối 18-9 vừa qua, sau ngày khánh thành Trường tình thương Hòn Chuối, ngồi với tôi ở ghềnh đá, Phục bảo: “Từ khi ra đảo, em có ba nguyện vọng: Người dân chuyển biến ý thức, xem việc học là chuyện đổi đời; đảo có được cái trường tử tế và điểm trường này được xã hội thừa nhận, nhất là học bạ cho học sinh”. Dù ở đảo xa, nhưng các chiến sĩ biên phòng luôn cập nhật giáo trình từ trường phổ thông ở đất liền, rồi nhờ một điểm trường tiểu học ở thị trấn Sông Ðốc hỗ trợ hoàn tất thủ tục về học bạ, có lưu ý đặc thù biển, đảo. Lúc gửi hồ sơ học bạ các em vào học tiếp ở điểm trường tại đất liền, Phòng đào tạo bảo: Nể học sinh ở đảo lắm đó nghe, tin vào thầy trò, nhưng cái này là học bạ “ma”. Phục nói: "Nghe đau nhói chứ anh, nếu không phải là người lính đảo, nếu không thật sự yêu mến các em nhỏ thì khó có thể bình tĩnh được. Tại sao ngành giáo dục của tỉnh không cử cán bộ ra tiếp sức tụi em, chỉ dẫn cách thức chuẩn hóa hồ sơ học bạ cho học sinh Hòn Chuối? Nỗ lực của Ðồn Biên phòng, của thầy trò chúng em được Trung ương Ðoàn và Quỹ Thiện Tâm ghi nhận, cấp kinh phí 500 triệu đồng xây dựng Lớp học tình thương Ðồn Biên phòng Hòn Chuối". Những tháng xây dựng trường mới, những người lính và lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện phải vận chuyển 400 tấn vật liệu xây dựng gồm xi-măng, sỏi, cát, thép lên gần đỉnh Hòn ở độ cao 135 m. Suốt bốn tháng 16 ngày xây dựng lớp học, phải đi một quãng đường hơn 500 m, dốc nghiêng 60 độ, trên vai cõng bao xi-măng cứ ráng sức đi lên. Vai Phục bị lở loét. Mệt quá, cơm ăn không nổi, chợt bàn tay ai đó đặt lên vai mình: “Vai thầy chai hết rồi!”. Nhìn lên, hóa ra là Ðồn trưởng, người luôn quan tâm các chiến sĩ cũng như công việc dạy học, vậy là bao mệt mỏi tan biến.
Thượng úy Trần Bình Phục giảng bài cho học sinh trên đảo. Ảnh: LƯU QUỐC
Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng khá mạnh mẽ, quyết liệt và đầy chất hào sảng: Bố tôi cũng từng là một sĩ quan cao cấp trong Bộ đội Biên phòng. Lúc còn sống, ông bảo rằng con không có lính, họ là cán bộ, chiến sĩ của con, bởi vì con luôn là một người lính! Nói về lớp học tình thương, anh bảo: “Mỗi bước đi của đàn em đều có bước chân của tôi. Người lính dạy học không chỉ bằng trách nhiệm của tổ chức phân công, mà bằng cả danh dự và tình cảm với cả một thế hệ trẻ em nơi biển, đảo. Tôi thường bảo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh là phải thường xuyên cử người ra đảo đến lớp dự giờ để xem cách dạy của thầy Phục và sự tiếp thu của trò, rồi đánh giá giáo viên đứng lớp dạy như thế nào. Nhưng có bao giờ thấy ai ra đâu, cứ hứa hoài(!)”.
Rời đảo, tôi vẫn nhớ hình ảnh Ðồn trưởng với khuôn mặt rắn rỏi đứng ở mỏm đá sát biển vẫy tay chào tạm biệt. Không thể quên, những con đường mòn cheo leo, những người lính biên phòng trẻ trung, đầy mạnh mẽ, những người dân gần gũi và hình ảnh đầy xúc động của thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục cùng học trò trên lớp học vừa mới xây xong trong buổi học đầu tiên. Nghị lực của thầy và khát vọng của trò đều chung trong hai từ “cố gắng”. Một quãng đường 20 năm, lớp học ban đầu có thể là nhóm học dưới tán cây xoài, có thể ở mái nhà tạm bợ của Trạm Kiểm lâm và nay là ngôi trường ba gian được xây dựng tử tế, nhưng tấm lòng những thầy giáo quân hàm xanh vẫn trải dài theo từng bước đi của trẻ em hải đảo. Năm 2013, Trung tâm UNESCO khoa học nhân văn và cộng đồng (Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) công nhận Thượng úy Trần Bình Phục và Tập thể Bộ đội Biên phòng tại đảo Hòn Chuối tỉnh Cà Mau là “Ðịa chỉ nhân văn” tôi nghĩ đó là một sự vinh danh hoàn toàn xác đáng.
Lưu Quốc Thắng
Theo nhandan.com.vn