Cập nhật: 14/10/2016 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước việc ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc xây dựng gần biên giới Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: lalibre.be)

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM - thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, phóng xạ di chuyển xuyên biên giới và không thể quan sát bằng mắt thường. Và, dù Việt Nam chưa có nhà máy điện hạt nhân nhưng vẫn cần sớm có một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Bởi lẽ, ngoài ba nhà máy của Trung Quốc gần biên giới, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Campuchia… cũng đang trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Thực tế cũng cho thấy, việc quan trắc và đưa ra những cảnh báo về phóng xạ là rất quan trọng. Lấy ví dụ năm 2011, thảm họa sóng thần ở Nhật Bản dẫn đến sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I làm phóng xạ lan rộng. Và khi đó, những trạm quan trắc sẽ giúp chúng ta đưa ra những kịch bản chính xác để hành động khi có mối đe dọa rình rập.

Ông Quang cũng cho biết, việc xây dựng mạng lưới này đã được VINATOM đề cập nhiều trong thời gian trước đây.

Trong tham luận tại Hội thảo quốc gia về Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội diễn ra ngày 13/10, Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp (Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân) cho hay, quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1636/QĐ-TTg năm 2010.

Cụ thể, mạng lưới gồm Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ; 4 trạm vùng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm đồng và Thành phố Hồ Chí Minh; 16 trạm địa phương; hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ Quốc phòng (hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội). Tới năm 2012, Thủ tướng bổ sung tỉnh Đồng Nai vào danh sách trạm địa phương.

Ông Giáp cũng cho biết, năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi các Sở khoa học và Công nghệ có trạm địa phương hướng dẫn lập dự án, xây dựng trạm quan trắc địa phương. Một số tỉnh đã lập dự án đầu tư xây dựng như Lào Cai, Nghệ An, Bình Thuận, Lào Cai. Trong đó, có Lào Cai hoàn thành xây dựng trạm địa phương và đang chờ được cung cấp trang thiết bị để trạm đi vào hoạt động. Một số tỉnh đang chuẩn bị lập dự án như Phú Yên, Sơn La…

Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Hào Quang cho hay, tổng kinh phí đầu tư cho mạng lưới này khoảng 1.000 tỷ đồng. Khó khăn chưa thực hiện được là do nguồn vốn, nguồn kinh phí hạn hẹp chưa đầu tư xây dựng được theo như quy hoạch.

Bên cạnh đó, các trạm quan tắc còn vướng mắc về chỉ tiêu biên chế. Và, 16 trạm quan trắc thuộc các tỉnh sẽ không có chỉ tiêu để tuyển dụng nếu như không có một chính sách đặc biệt để tháo gỡ.

Còn theo ông Giáp, trước tình hình thực tế ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm sát biên giới Việt Nam, để có khả năng quan sát và cảnh báo kịp thời những dị thường phóng xạ có nguồn gốc từ các nhà máy điện hạt nhân khi có sự cố, Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân đã lập dự án xây dựng mạng quan trắc khu vực phía Bắc. Mạng này gồm Trung tâm quản lý và vận hành đặt tại Viện và 9 trạm đặt tại các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Móng Cái, Bãi Cháy), Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Và, dự án này cũng đang trong tình trạng… chờ Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét triển khai.

Hiện tại, ông Giáp nói, để có các số liệu phông cũng như kịp thời phát hiện dị thường phóng xạ xuyên biên giới từ phía Bắc, trên cơ sở các thiết bị có sẵn từ các nguồn đầu tư, đề tài dự án chế tạo thiết bị, quà tặng của các đơn vị nước ngoài, Viện này đã lắp đặt các thiết bị đo suất liều trực tuyến cho bốn trạm (Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái, Hải Phòng). Tất cả các số liệu suất liều đo online được truyền về Trung tâm điều hành thông qua đường Internet hoặc sóng điện thoại.

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Nguyễn Hào Quang, để đo mức độ phóng xạ trong không khí, hiện nay Việt Nam có ba trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường, trong đó có hai trạm của VINATOM đặt tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) và Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhận (Hà Nội) và một trạm của Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng)./.

Theo YÊN THỦY (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/can-som-co-mang-luoi-quan-trac-canh-bao-phong-xa-moi-truong/410674.vnp

Tệp đính kèm