Cập nhật: 15/10/2016 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi , huyện Lập Thạch còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Song, tiềm năng này đến nay vẫn chưa được huyện khai thác tương xứng và phát huy hiệu quả.

Cây Lộc vừng tại Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn

 (xã Sơn Đông) đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam hứa

hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lập Thạch, trên địa bàn huyện hiện có 151 di tích lịch sử văn hóa và di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 12 di tích xếp hạng Quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hệ thống đình, đền, chùa phân bố rải rác ở hầu hết các xã, thị trấn như: Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, chùa Am -Vĩnh Phúc tự (xã Sơn Đông); đình Đông Lai (xã Bàn Giản)… cùng nhiều lễ hội đặc sắc như: Cướp phết (xã Bàn Giản), Bắt chạch trong chum (thị trấn Lập Thạch), Thổi lửa nấu cơm (xã Liên Hòa)… Bên cạnh tiềm năng du lịch lịch sử tâm linh, Lập Thạch còn có tiềm năng du lịch sinh thái và làng nghề. Trên địa bàn huyện có hồ Vân Trục với với cảnh quan đẹp, non nước hữu tình với dung tích lên tới 10 triệu m3 nước/năm; 2 làng nghề truyền thống là Mây tre đan Triệu Đề (xã Triệu Đề) và Mây tre đan Xuân Lan (xã Văn Quán) với nhiều sản phẩm tinh xảo, có giá trị xuất khẩu cao. Một số địa phương như: Văn Quán, Tiên Lữ có nghề làm đặc sản cá thính lâu đời, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh yêu thích.

Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi, huyện còn có tiềm năng và khả năng mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour du lịch: Đền Hùng - Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức - hồ Vân Trục - đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn - Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Đặc biệt, vừa qua, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học &Công nghệ) cấp bằng công nhận thương hiệu vào tháng 7/2016, cây Lộc vừng tại Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông) được công nhận là Cây di sản Việt Nam, hứa hẹn sẽ là sản vật lưu niệm và điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, để phát triển các hoạt động du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, huyện tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Vân Trục; có đề án hoàn thiện, phát triển và quảng bá đền thờ Trần Nguyên Hãn tại xã Sơn Đông, hướng đến phát triển du lịch tâm linh phía Nam của huyện. Một số khu nghỉ dưỡng, mua sắm, bể bơi… đã và đang từng bước được các tổ chức, cá nhân triển khai đầu tư xây dựng. Cùng với đó, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, huyện đã triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng như: Đường nội thị (thị trấn Lập Thạch),đường Tử Du - Liễn Sơn- Liên Hòa; đường Xuân Lôi- Tiên Lữ; đường vào mỏ đá Hùng Vĩ và khu chăn nuôi tập trung xã Quang Sơn; đường giao thông vào Nhà máy may quần áo Bơi lội FWKK Vina; đường tỉnh lộ 306 (đoạn từ Cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch); cầu Phú Hậu…Nhiều tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã đã và đang được huyện sửa chữa, nâng cấp, cải tạo góp phần kết nối, giao thương hàng hóa các vùng, các khu vực kinh tế của huyện với các huyện lân cận và tỉnh bạn. Có thể kể đến như tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn hoàn thành năm 2014, không chỉ giúp việc đi lại dễ dàng hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, qua đó, thúc đẩy ngành dịch vụ du lịch phát triển. Cùng với đó là tuyến đường từ thị trấn Lập Thạch đến hồ Vân Trục thuộc dự án tuyến đường tỉnh 307- hồ Vân Trục- Ngọc Mỹ có tổng vốn đầu tư gần 52 tỷ đồng đã được hoàn thành vào đầu năm 2016 giúp giao thông trên địa bàn được thông suốt hơn. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng Cầu Phú Hậu (tuyến đường nối từ nút giao Văn Quán - cầu Phú Hậu - Quốc lộ 2A - thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Tuy nhiên, mặc dù có những tiềm năng lớn để phát triển du lịch nhưng đến nay, ngành du lịch của huyện mới chỉ dừng lại ở triển vọng, chưa được đầu tư khai thác hiệu quả. Hạ tầng giao thông tuy đã được nâng cấp song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa phát triển; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, dừng lại 1- 2 sản phẩm nhỏ lẻ; chưa có nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, do được xây dựng đã lâu, qua thời gian dài chưa được trùng tu tổng thể và trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên nên hiện nay, nhiều di tích, công trình trên địa bàn huyện như: Đình Đình Chu (xã Đình Chu) đã xuống cấp trầm trọng với toàn bộ phần mái của đình bị hư hỏng nặng, các cấu kiện gỗ, các cột trụ do bị ngấm nước lâu nên đang dần mục nát, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Để phát huy thế mạnh về cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên nhân văn, trong thời gian tới, huyện Lập Thạch cần sớm chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo,tu sửa như: Đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung, đình Đình Chu… để kịp thời gìn giữ các di tích trước nguy cơ đổ nát;đồng thời, đầu tư nhiều hơn để cải thiện cơ sở hạ tầng, để thu hút các nhà đầu tư và khách tham quan, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch.

ST

Tệp đính kèm