Hát Sình ca (còn được gọi là Sịnh ca) là nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên ( huyện Sông Lô). Trong đời sống hiện đại, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này có nguy cơ bị mai một, rất cần được bảo tồn, gìn giữ nhằm phát huy giá trị truyền thống vốn có.
Thành viên CLB dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới (xã
Quang Yên) trong một buổi tập hát làn điệu Sình ca
Sình ca - nét văn hóa độc đáo
Quang Yên là xã miền núi nằm ở phía Bắc của huyện Sông Lô. Toàn xã có 1.969 hộ, trong đó, có 391 hộ là đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung ở 4 thôn: Đồng Dạ, Đồng Dong, Đồng Găng và Xóm Mới. Người Cao Lan ở Quang Yên không chỉ nổi tiếng với lễ hội Lồng Tồng (Hội Xuống đồng) đặc sắc vào mỗi độ xuân về, mà còn là cái nôi của lối hát đối đáp đặc trưng, mang bản sắc văn hóa riêng biệt. Theo lời của những người cao tuổi ở đây thì không biết Sình ca có từ bao giờ, bởi ngay từ khi lọt lòng, đứa trẻ Cao Lan nào cũng được nghe lời ca tiếng hát từ những bài hát Sình ca. Truyền thuyết của người Cao Lan kể rằng, những câu hát Sình ca đầu tiên được sáng tác bởi nàng Lưu Ba xinh đẹp. Nàng quên ăn, quên ngủ, cất tiếng hát vang vọng núi rừng suốt 13 ngày đêm. Sau khi Lưu Ba chết, những điệu hát da diết ấy được người Cao Lan truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối tiếp nhau gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Nói về nét đặc trưng của làn điệu dân ca này, ông Sầm Văn Hoa, 70 tuổi, một nghệ nhân hát Sình Ca ở Quang Yên cho biết: So với Ca trù, hát Soọng cô, hát Quan họ,… thì có lẽ Sình ca độc đáo hơn bởi chính lời hát bình dị, không bị bó buộc bởi không gian và thời gian. Những câu hát giản đơn như một lời nói, lời hỏi đáp hàng ngày: “ Xin hỏi khi nào thì dùng rìu/ Dùng đao giờ nào thì được việc/ Lúc nào dùng cưa xẻ gỗ/ Dùng bào vào lúc nào hỡi chàng.” Người Cao Lan vui cũng hát, buồn cũng hát, hát trong lao động sản xuất, khi mùa lễ hội về, khi bình minh vừa hé rạng. Có những cuộc hát thâu đêm suốt sáng, kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Hát là để giao đãi, trò chuyện; gửi gắm tình yêu quê hương đất nước; tình yêu lứa đôi; khát vọng và ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc. Không ngoa khi nói rằng, Sình ca như người bạn tâm tình muôn thủa của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, làn điệu Sình ca được lưu truyền qua các thế hệ bằng hình thức truyền khẩu, một số được ghi chép lại bằng chữ Hán.Những bài hát như: “Du hương ca”, “ Bơi thuyền vượt biển”, “ Ca phùng san”, hát về gà gáy, hát chúc tụng các cụ,… là những bài Sình ca quen thuộc của đồng bào dân tộc Cao Lan. Song hành cùng lời hát, những điệu múa “ Xuống đồng”, múa “ Xúc tép”, múa “ Lên nương”, múa “ Chim câu”,… mô phỏng chân thực những hoạt động của đời sống sinh hoạt hàng ngày có tác dụng làm cho bài ca thêm sinh động, uyển chuyển và có hồn.
Khơi dậy sức sống tiềm tàng
Hát Sình ca mang giá trị văn hóa đặc sắc như vậy, tuy nhiên, cũng từng có thời kỳ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà làn điệu dân ca này tưởng chừng như bị rơi vào quên lãng. Nhằm khơi dậy sức sống tiềm tàng cho Sình ca, năm 2007, cùng với việc phục dựng lễ hội Xuống đồng, được sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đảng ủy - HĐND - UBND xã Quang Yên đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, Ban Văn hóa cùng các ban ngành của địa phương giúp đồng bào dân tộc Cao Lan thành lập CLB dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới.
Những ngày đầu hoạt động, CLB chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10 thành viên. Đến nay, đã thu hút được sự tham gia của 38 người, bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau. Người già nhất trên 80 tuổi, có gia đình cả 2 vợ chồng đều là thành viên CLB. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền, lớp thanh niên trẻ theo học hát Sình ca ngày càng tăng lên. Hiện tại, có những em bé mới 12, 13 tuổi cũng hăng hái tham gia. Ông Hoàng Giang Lâm, Chủ nhiệm CLB dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới cho biết: Những ngày đầu mới thành lập CLB là những ngày khó khăn, sinh hoạt của CLB lúc ấy còn rất hạn chế vì số lượng thành viên ít. Người biết hát thì rất nhiệt tình nhưng người trẻ lại không mấy mặn mà với hoạt động này. Hơn nữa, làn điệu Sình ca khá khó hát, nó đòi hỏi người hát phải luyến láy âm điệu sao cho mượt mà, sắc nét, ngân dài mà vẫn trầm bổng nên nhiều người tham gia học hát không đủ kiên trì cho đến khi đã thành thục.
Hiện nay, hoạt động của CLB dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới đã sôi nổi hơn rất nhiều so với trước. Cứ 2 buổi/ tuần, cố định vào thứ 4 và thứ 6, các thành viên trong CLB lại đông đủ tề tựu, cùng nhau học hát theo nhịp trống tang sành. Những ngày nông nhàn, dù không có lịch luyện tập nhưng bà con đồng bào dân tộc Cao Lan vẫn quây quần hát cho nhau nghe. Bên ấm chè tươi, trong ngôi nhà sàn ấm cúng và ngay trong lao động sản xuất, lời ca tiếng hát vang lên rộn ràng khắp núi đồi. Nhiều bài ca mới đã được ra đời, những làn điệu cổ được sưu tầm và lưu giữ. Tình yêu đối với mỗi câu hát Sình ca cũng vì thế mà được nhân lên. Không chỉ riêng thôn Xóm Mới, tại các thôn Đồng Dạ, Đồng Găng, Đồng Dong, hoạt động truyền dạy và gìn giữ làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống cũng diễn ra ngày một mạnh mẽ, sôi nổi hơn. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, các nghệ nhân nhiệt tình truyền tải cho học viên trẻ tuổi.
Bằng những biện pháp tích cực, làn điệu dân ca, dân vũ nói riêng và các nét đẹp văn hóa độc đáo khác của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Quang Yên đang dần “ Hồi sinh”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác bảo tồn và phát triển bền vững những giá trị văn hóa này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bởi hiện nay, hầu hết những người thông thạo làn điệu trên đều đã cao tuổi; trong khi số lượng người trẻ thực sự đam mê với Sình ca còn rất hạn chế. Để loại hình dân ca này mãi trường tồn với thời gian, rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng; đồng thời, người trẻ trong cộng đồng dân tộc Cao Lan cần chủ động tiếp thu, bồi đắp tình yêu và lòng say mê với những câu hát Sình ca mang đậm bản sắc dân tộc mình.
ST