Cập nhật: 16/10/2016 16:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

VOV.VN - Theo các chuyên gia nam khoa, các nguyên nhân vô sinh do người chồng, thì vô sinh do bất thường tinh trùng ở nam giới chiếm tỷ lệ khá cao

Hiện nay đã có những quy định để bảo vệ người hiến tặng “con giống”. Điều 4, Điều 5, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã nêu cụ thể yêu cầu đối với người hiến tặng và nhận “con giống” hiến tặng.

Mẫu“con giống” được lưu trữ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (ảnh: H.N)

Ở nước ta, thực tế nhu cầu xin “hạt giống” để sinh con là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế việc hiến tặng tinh trùng là câu chuyện còn lạ lẫm, thậm chí nhiều người còn hiểu sai bản chất sự việc.

Giải mã những băn khoăn

Theo các chuyên gia nam khoa, trong các nguyên nhân vô sinh do người chồng, thì vô sinh do bất thường tinh trùng ở nam giới chiếm tỷ lệ khá cao. Vì lý do này, ở các bệnh viện có ngân hàng tinh trùng đang cất giữ hàng ngàn mẫu “con giống” của những người hiến tặng (vô danh) và của những người gửi có lưu lại tên tuổi, để dành cho việc thụ thai sau này, như thụ tinh nhân tạo, hay thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các mẫu “con giống” hiến tặng vô danh đang được lưu trữ tại bệnh viện này là của các sinh viên, những người tốt nghiệp đại học trở lên, cao trên 1m65, cân nặng đủ tiêu chuẩn, chưa lập gia đình, và đặc biệt có “con giống” tốt, khoẻ. Họ đã tuân thủ nghiêm ngặt qua các xét nghiệm kiểm tra bệnh lý. Sau ba tháng kể từ ngày hiến, các mẫu “con giống” được xét nghiệm lại một lần nữa để bảo đảm chất lượng.

Cũng theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, thực tế nhu cầu xin “con giống” của các cặp vợ chồng vô sinh rất lớn, nhưng số người tình nguyện đi hiến lại hiếm hoi, do nhiều lý do tế nhị. Không phải chàng trai nào khoẻ mạnh, có trình độ học vấn, chưa vợ cũng sẵn lòng đem “hạt giống” của mình tặng người không quen biết. Nhiều nam giới có tâm lý e ngại, cảm giác việc hiến tặng đem lại nhiều phiền toái, như qua nhiều khâu kiểm tra, xét nghiệm mất thời gian. Không ít nam giới băn khoăn: Liệu đứa trẻ sinh ra có được bảo đảm cuộc sống bình thường, khoẻ mạnh về mặt thể chất, tinh thần như những đứa trẻ khác hay không? Tuy nhiên, điều lo lắng ấy không khó trả lời. Bởi trước hết, những người xin “con giống” để thụ tinh nhân tạo, bản thân họ đang khao khát có một đứa con, chắc chắn họ sẽ dành sự quan tâm, yêu thương và nghĩa vụ để nuôi nấng đứa trẻ trưởng thành.

Hoặc một số khác lo ngại cho rằng, con cái là giọt máu của mình được sinh ra lại để người khác nuôi, nhất là sợ quan hệ đồng huyết sau này (anh em ruột thịt lấy phải nhau mà không hay biết). Tuy nhiên, theo các chuyên gia nam khoa, điều này khó có khả năng xảy ra. Nhất là trong thời đại hiện nay, giới trẻ trước khi kết hôn thường tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Tuyệt mật thông tin về người hiến tặng

“Hiến tặng “con giống” là việc làm mang nghĩa cử cao cả, hết sức nhân đạo. Những “con giống” được hiến tặng này sẽ giúp những cặp vợ chồng vô sinh (do người đàn ông không có “con giống”) có con”, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền khẳng định.

Theo quy định của pháp luật, hiến tặng “con giống” phải là sự tự nguyện và tiến hành tại cơ sở y khoa do Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. “Con giống” của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu người đó không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì “con giống” chưa sử dụng hết phải được hủy, hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học. Đối với người nhận phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Thông tin của người cho và nhận phải tuyệt mật. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận hay người hiến tặng cho bất cứ bên nào. Theo đó, người hiến tặng không phải có bất kỳ trách nhiệm nào với đứa trẻ sinh ra từ “con giống” mình hiến tặng.

Nam giới được tham gia hiến tặng phải nằm trong độ tuổi từ 20-45. Người đàn ông một tháng có thể hiến tặng nhiều lần mà vẫn bảo đảm sức khỏe cũng như nhu cầu sinh lý./.

 

Theo Hồng Ngọc/ Báo Tiếng nói Việt Nam

Tệp đính kèm