Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, sáng 16/10, cho biết mưa lũ ở miền Trung đã làm 15 người chết, 9 người mất tích, 18 người bị thương, trong đó riêng tỉnh Quảng Bình có 9 người chết, 8 người mất tích, 13 người bị thương.
Nhiều nhà dân tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy chìm trong biển nước. Ảnh: TTXVN
Tổng số nhà hiện còn ngập là 98.215. Diện tích lúa, hoa màu bị ngập trên 10.000ha. Về thủy sản có 3.074 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập (Nghệ An 1.971 ha, Hà Tĩnh 337 ha, Quảng Bình 597 ha, Quảng Trị 39 ha, Huế 130 ha.
Về giao thông, các tuyến đường quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông có 36 điểm. Cụ thể: Nghệ An tại Quốc lộ 48E, 15; Hà Tĩnh tại Quốc lộ 8A; Quảng Bình tại Quốc lộ 15, 12A, 12C, 9B. Tính đến sáng ngày 16/10 các tuyến đường QL1A, QL9B tại Quảng Bình đã thông tuyến.
Tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngập 07 điểm ở Quảng Bình (Phú Trạch - Tân Ấp, Ngọc Lâm - Lạc Sơn, Lạc Sơn - Lệ Sơn, Lệ Sơn - Mỹ Lệ, Phúc Tự - Đồng Hới, ga Đồng Hới, ga Lệ Thủy.
Đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông: 13 điểm (Nghệ An 6 điểm, Hà Tĩnh 2 điểm, Quảng Bình 5 điểm). Tính đến sáng ngày 16/10 các tuyến đường 570B, 561 tại Quảng Bình đã thông tuyến.
Ngoài ra có 5 tàu chở hàng clinke (công ty Trường Thành) neo đạu tại cửa Gianh bị đứt neo. Trong đó, 01 tàu đang trở về cảng Hòn La; 1 tàu mắc kẹt tại phao số 0; 1 tàu mắc kẹt tại cửa Gianh; 01 tàu HD2138/04 người ở cửa Gianh bị chìm lúc 4h15; 1 tàu HD 2155/04 người lật chìm tại phao số 0 lúc 10h15. Hiện các lực lượng chức năng đã cứu được 3 người của tàu HD2138 và đang tiếp tục tìm kiếm 5 người mất tích.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phươngtiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ nhất là đối với các khu vực đã xảy ra mưa rất to thời gian qua.
Tập trung cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tìm kiếm người bị mất tích, bố trí chỗ ở tạm cho những hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, ngập. Giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường (nước rút đến đâu vệ sinh đến đó).
Huy động lực lượng, phương tiện san gạt đất, sửa chữa đường sớm khôi phục giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc.
Kiểm tra, rà soát kiên quyết di dời dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Tổ chức kiển tra các hồ chứa nước nhất là các hồ chứa đã đầy (đang xả tràn) để đảm bảo an toàn công trình và dân cư, cơ sở hạ tầng khu vực hạ du; chủ động xả nước các hồ chứa.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Sarika, kịp thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
PN
Theo baochinhphu.vn