Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, công tác xã hội hóa (XHH) tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh ta được các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Đền thờ Nhị vị Thánh Mẫu (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí do nhân dân và khách thập phương đóng góp, ủng hộ. Ảnh Hoàng Long
Ngày 12/10 vừa qua, nhân dân làng Phú Hậu, xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) vui mừng, phấn khởi tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Nhị vị Thánh Mẫu sau 19 tháng khởi công trùng tu, tôn tạo. Ngôi đền tọa lạc trên mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, trước cổng đền là nơi hợp lưu của hai dòng Sông Lô và Sông Phó Đáy, tạo lên hình thể “lưỡng long ngậm ngọc”. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp nghiêm trọng, hơn thế, dòng sông Phó Đáy xoáy lở xói mòn vào đến chân đền, ảnh hưởng đến cảnh quan của đền và cây bồ đề hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi. Trước tình trạng đó, nhân dân làng Phú Hậu đã tổ chức họp dân và đi đến thống nhất đề nghị cấp trên để nhân dân góp công, góp sức, trùng tu, tôn tạo ngôi đền khang trang, bền đẹp hơn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn trực tiếp của phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lập Thạch, đến nay, việc trùng tu, tôn tạo đền đã hoàn thiện. Ngôi đền mới được trùng tu trên nền đền cũ, quy mô xây dựng 2 tầng, 8 mái, hướng chính điện vẫn giữ nguyên như cũ nhìn ra ngã ba sông với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật do nhân dân trong xã và khách thập phương công đức. Ngoài đóng góp tiền mặt và hiện vật, nhân dân trong làng, xã còn tình nguyện tham gia lao động thu dọn, tháo dỡ, vận chuyển gạch ngói, cát, sỏi, sắt thép… giúp giảm chi phí xây dựng. Việc trùng tu, tôn tạo Đền thờ Nhị vị Thánh Mẫu tại làng Phú Hậu, xã Sơn Đông phần nào cho thấy vai trò và tiềm lực to lớn của nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, tỉnh ta có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú. Theo thống kê mới nhất của Sở VH-TT&DL, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.303 di tích, trong đó có 455 di tích đã được Nhà nước xếp hạng (387 di tích cấp tỉnh, 66 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt). Đa phần các di tích là công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu), trong đó, các di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm số lượng lớn với nhiều di tích tiêu biểu như: Đình Thổ Tang, cụm di tích đình – chùa Hương Canh, Đền Bắc Cung, Đền Trần Nguyên Hãn… Các di tích này không những có phong cách của kiến trúc truyền thống, bề dày lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà còn chứa đựng cả một hệ thống cổ vật, di vật và các giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, đa phần các di tích được tạo dựng bằng vật liệu gỗ, gạch, ngói... nhiều nhất là vật liệu bằng gỗ, tính bền vững không cao lại chịu nhiều tác động của điều kiện tự nhiên với khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt và các tác nhân xâm hại khác nên không tránh khỏi các hiện tượng xuống cấp. Do đó, số lượng di tích trên địa bàn và công việc phải tu bổ, sửa chữa hàng năm ngày càng tăng, có những di tích phải tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Qua kiểm kê sơ bộ, trong tổng số 455 di tích đã được Nhà nước xếp hạng hiện có 42/66 di tích cấp quốc gia đang xuống cấp (chiếm 64%); 13/66 di tích quốc gia đang xuống cấp nghiêm trọng (chiếm 20%); 178/387 di tích cấp tỉnh đang xuống cấp (chiếm 48,6%) và 37/366 di tích cấp tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng (chiếm 10,1%).
Trước thực trạng đó, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn và bố trí ngân sách hàng năm cho công tác này. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 48 di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 154 tỷ đồng, trong đó có trên 132 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Mặc dù đã có sự quan tâm, đầu tư nhưng ngân sách dành cho việc tu bổ , tôn tạo di tích trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn so với với nhu cầu thực tế, việc bố trí vốn tu bổ phần lớn ưu tiên đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, những công trình có ý nghĩa, giá trị tiêu biểu, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội và sự phát triển du lịch của tỉnh… Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước có hạn, những năm qua, tỉnh ta quan tâm đẩy mạnh công tác XXH với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm huy động nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, công tác XHH tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây được đẩy mạnh, nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội... Nguồn vốn XHH được huy động mỗi năm cho công tác này lên tới hàng chục tỉ đồng, chưa kể đến nguồn công đức, đóng góp rất lớn về lao động, tri thức, hiện vật trong quá trình thi công. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh có từ 10-20 di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn XHH, nhiều di tích có 100% kinh phí tu bổ, tôn tạo bằng nguồn XHH. Tiêu biểu như các di tích: Chùa Biện Sơn (Yên Lạc) kinh phí XHH 20 tỷ đồng; Chùa Hoa Dương (huyện Vĩnh Tường) kinh phí XHH 1 tỷ đồng; Đền Đồng Lạc (Yên Lạc) kinh phí XHH trên 3,2 tỷ đồng; Đình Đông (huyện Vĩnh Tường) kinh phí XHH trên 500 triệu đồng…
Cùng với tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhân dân các địa phương còn tích cực tham gia công tác quản lý, bảo tồn và gìn giữ các di tích trên địa bàn. Tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều có 1 Tiểu ban quản lý được thành lập để trực tiếp quản lý di tích, Trưởng Tiểu ban do Bí thư chi bộ, Trưởng thôn đảm nhiệm cùng các thành viên đại diện chi hội người cao tuổi thôn, người trông coi di tích, sư trụ trì hoặc người có uy tín trong cộng đồng đảm nhiệm và được UBND xã phê duyệt. Ngoài ra, phần lớn các di tích chưa xếp hạng nhân dân đều thành lập các ban, tổ (tự phát) để thay phiên nhau chăm sóc, quản lý di tích... nhờ đó, các di tích trên địa bàn tỉnh thường xuyên được chăm nom, dọn dẹp phong quang, sạch sẽ.
Có thể thấy rằng, những năm qua, công tác XHH tu bổ, tôn tạo di tích được tỉnh ta triển khai hiệu quả, góp phần khơi thông nội lực trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn một số hạn chế do điều kiện kinh tế, thu nhập của nhân dân một số địa phương còn khó khăn nên việc huy động nguồn kinh phí còn hạn chế. Tại một số địa phương, khi các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ thì mới được tiến hành gia cố, gia cường hoặc tu sửa nhỏ từ nguồn công đức ít ỏi của nhân dân địa phương nên việc tu sửa không đảm bảm chất lượng, quy trình, có khi vừa sửa xong cấu kiện này thì cấu kiện khác lại tiếp tục hư hỏng nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến giá trị của di tích. Bên cạnh đó, nhận thức của nhân dân về di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn vốn XHH tại một số địa phương còn mang tính tự phát, chưa đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Nhà nước. Do đó, nhiều di tích sau khi tu bổ, tôn tạo bằng nguồn XHH đã bị thay đổi hiện trạng do người dân tự ý thay đổi, di chuyển hay sơn mới đồ thờ dẫn đến thay đổi gốc cấu thành của di tích và nội dung thờ tự, một số nơi còn tiếp nhận những hiện vật mới, không phù hợp với di tích…
Để XHH công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích phát huy hiệu quả, thiết nghĩ ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ, đóng góp cần đẩy mạnh công tác giáo dục về di sản văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa cần siết chặt quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, quán triệt và thực hiện nghiêm những quy định của Luật Di sản, đặc biệt là Thông tư của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
ST