Cập nhật: 20/10/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế, chính sách, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN), nhưng trong thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. Nhất là, việc thiếu các quy chuẩn để công nhận sản phẩm mới, công nghệ mới. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh.

Tàu đóng bằng vật liệu PPC cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Chúng tôi đến Công ty Cổ phần công nghệ James Boat một trong những đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp KH và CN nhờ ứng dụng vật liệu, công nghệ mới để đóng tàu, thuyền. Tại khu vực nhà máy, một công nhân đang liên tục dùng búa tạ đập vào thân một chiếc tàu, nhằm thử khả năng chịu lực của sản phẩm. Thật ngạc nhiên khi toàn bộ lực đập từ người công nhân bị đẩy ngược trở ra, thân tàu hoàn toàn không bị hư hại gì.

Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty James Boat, Nguyễn Kim Sơn cho biết, chiếc tàu nói trên được làm bằng vật liệu Popypropylen copolyme (PPC), một vật liệu nhựa đặc biệt, siêu bền, thân thiện với môi trường. Với những ưu điểm vượt trội, vật liệu PPC đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng rộng rãi từ những năm 70 cho nhiều ngành, nghề.

Các nhà khoa học, chuyên gia tại Thụy Sĩ, CHLB Đức và CH Séc nghiên cứu, bổ sung các phụ gia đặc biệt đã làm thay đổi các đặc tính của vật liệu, tạo ra được một loại vật liệu đặc biệt, bảo đảm độ bền phù hợp cho việc sản xuất tàu, thuyền và công trình nổi tại Việt Nam. Vật liệu này có các phân tử chống được sự hun nóng mà không bị biến dạng, kháng được hóa chất như: a-xít vô cơ, kiềm, muối… Trong khi đó, độ bền của vật liệu đã được tăng lên đến mức có khả năng chống đâm thủng, thậm chí cả đạn bắn. Quá trình sản xuất, gia công, sử dụng không tạo ra các chất có khả năng ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường. Sau nhiều năm sử dụng, các sản phẩm làm bằng vật liệu PPC có thể dễ dàng sửa chữa, khi cần sẽ được tái chế 100%...

Với nhiều ưu điểm như vậy, nhưng khi doanh nghiệp muốn đưa vật liệu mới, công nghệ mới vào Việt Nam, ứng dụng cho ngành đóng tàu, thuyền thì lại gặp vướng mắc tại khâu đăng kiểm. Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), hiện nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên dùng áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu PPC, do đó chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, kỹ thuật để thẩm định thiết kế cũng như đánh giá tính năng an toàn kỹ thuật trong quá trình khai thác, sử dụng phương tiện chế tạo bằng vật liệu này.

Mặt khác, Cục ĐKVN khi nghiên cứu về vật liệu PPC nhận thấy đây là vật liệu dễ cháy, ứng suất chảy thấp hơn nhiều so với các vật liệu truyền thống và tính chất rão sẽ suy giảm theo thời gian do tác động của nhiệt độ, tải trọng, liên kết hàn, môi trường… Do đó, hiện nay Cục ĐKVN vẫn chỉ cấp hồ sơ đăng kiểm cho một số phương tiện chế tạo bằng vật liệu PPC để sử dụng thử nghiệm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Kim Sơn, loại vật liệu PPC dùng để đóng tàu đã được thử nghiệm tại các trung tâm uy tín của Việt Nam về việc: thử kéo, thử uốn, thử va đập cường độ mối hàn và thử khả năng chịu lửa, cắt mẫu thử tại ca-nô đã qua sử dụng để thử nghiệm độ lão hóa của vật liệu… tất cả đều cho thấy vật liệu đủ khả năng để đưa vào chế tạo tàu, thuyền. Trưởng ban đóng tàu, Phòng kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Phạm Quang Anh cho rằng, vật liệu nhựa tổng hợp PPC là một loại vật liệu mới có nhiều ưu điểm, trên thế giới đã có các tiêu chuẩn, tính toán là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm và có khả năng áp dụng để chế tạo tàu, thuyền.

Trong thời gian chờ đợi Cục ĐKVN xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, để có thể thương mại hóa sản phẩm, Công ty James Boat đã triển khai dự án chế tạo xuồng tuần tra cao tốc cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; phối hợp với Viện Thiết kế tàu quân sự thực hiện dự án chế tạo xuồng cứu hộ, ca-nô công tác bằng vật liệu PPC; bến cập tàu thuyền cho Cục Cảnh sát đường thủy… các sản phẩm đã được đăng kiểm Hải quân kiểm nghiệm, đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo Đại úy Phan Văn Lễ, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1, chiếc xuồng làm từ vật liệu PPC đã được bàn giao và đưa vào hoạt động hơn hai năm, chạy được hơn sáu nghìn hải lý, hoạt động hết công suất, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, hoàn toàn ổn định. Quá trình sử dụng tiết kiệm được nhiên liệu, tàu không bị gỉ, các loài thủy sinh, rong rêu không bám được vào thân tàu, đã giảm được rất nhiều chi phí để bảo trì…

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay đang thiếu các quy chuẩn cho sản phẩm mới từ việc ứng dụng KH và CN. Pháp luật đã quy định, sản phẩm phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá và cấp phép lưu hành trên thị trường. Nhưng sản phẩm KH và CN lại luôn đổi mới, sáng tạo, hầu hết chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng khiến một số cơ quan Nhà nước lúng túng trong quá trình xem xét, cấp phép lưu hành, tạo ra việc chậm đưa sản phẩm ra được thị trường. Điều này đã gây khó cho các doanh nghiệp KH và CN.

Theo lãnh đạo Cục ĐKVN, để gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp KH và CN đưa công nghệ, vật liệu mới vào chế tạo tàu, thuyền, Cục ĐKVN đã bước đầu hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC trình các cấp có thẩm quyền theo đúng trình tự quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đến nay, dự thảo quy chuẩn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

Căn cứ kết quả thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục ĐKVN đang xử lý theo trình tự để hoàn thiện và trình Bộ GTVT ban hành, làm cơ sở để đăng kiểm phương tiện chế tạo bằng vật liệu này. Các doanh nghiệp sử dụng vật liệu mới (PPC) để đóng tàu, thuyền cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đăng kiểm trong quá trình chế tạo, sử dụng thử nghiệm và thực hiện đầy đủ công tác đăng kiểm phương tiện phù hợp các quy định hiện hành; để có thể thu thập toàn diện các số liệu cần thiết, phục vụ việc hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật. Cục ĐKVN sẽ tiếp tục kiểm tra, cấp hồ sơ đăng kiểm cho các phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC để sử dụng thử nghiệm.

NHẬT MINH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm