Cập nhật: 23/10/2016 09:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Di chỉ nằm trên khu đất cao thuộc cánh đồng đầu thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, cách thị xã Vĩnh Yên 14 km về phía Tây Nam, cách Việt Trì 4km về phía Tây, cách sông Hồng nơi gần nhất là 2,5km. Di chỉ Lũng Hòa được phát hiện vào tháng 6/1963 và tiến hành khai quật đợt 1 từ ngày 14/11/1965 đến 1/4/1966. Kết quả khai quật cho thấy:

Các lớp đất được cấu tạo tương đối đơn giản, tầng văn hóa mỏng và đơn thuần, chủ yếu ở lớp đất thứ hai có độ sâu từ 0,40 – 0,60m đã phát hiện và thu nhập được 285 hiện vật gồm 262 hiện vật bằng đá (91,92% tổng số), 23 hiện vật bằng gốm (8,08%), 5.618 mảnh gốm và nhiều cuội tự nhiên.

Đồ đá cũng như đồ gốm ở Lũng Hòa rất gần gũi với đồ đá, đồ gốm ở các di chỉ Phùng Nguyên (Phú Thọ), Văn Điển (Hà Nội). Kỹ thuật đồ đá đạt đến mức cao của kỹ thuật chế tác đá. Đồ gốm rất tiến bộ, hầu hết đã chế tạo bằng bàn xoay. Chưa thấy đồ xương và xương thú vật, chưa thấy xuất hiện đồ đồng.

Trong đợt khai quật này đã phát hiện 22 ngôi mộ, trong đó có 4 ngôi thời hiện đại, 6 ngôi thời Bắc thuộc và quan trọng nhất là 12 ngôi thuộc thời đại đồ đá mới. Các mộ này đều là đơn táng. Người chết được chôn theo tư thế nằm thẳng, nhưng không rõ nằm nghiêng, nằm ngửa hay nằm sấp.

Hiện vật chôn theo trong mộ có 56 chiếc đồ đá, 46 chiếc đồ gốm (gốm rìu, đục, bàn mài, vòng tay, hạt chuỗi, nồi, bình, vật hình cốc…). Đặc biệt trong hầu hết các ngôi mộ đều chôn theo xương hàm răng lợn.

Tình hình hiện vật và mộ táng nói trên chứng tỏ địa điểm khảo cổ Lũng Hòa vừa là một khu di chỉ cư trú, vừa là một địa.

Đây là loại di chỉ nằm ở các doi đất thấp hoặc các doi đất cao ven sông. Ở miền Nam Trung Quốc, về thời đại đồ đá mới, loại di chỉ này được phát hiện nhiều và gọi là “Đài hình di chỉ” Ở nước ta, di chỉ Phùng Nguyên, Văn Điển cũng thuộc vào loại “Đài hình di chỉ” này.

Căn cứ vào loại hiện vật đồ đá, đồ gốm và mộ táng, di chỉ Lũng Hòa có thể ở vào giai đoạn cuối của thời đại đồ đá mới chuyển qua sơ kỳ thời đại đồng thau. Niên đại có thể tồn tại từ 3000-4000 năm trước đây và thuộc về loại hình văn hóa Phùng Nguyên.

Người cổ đại ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, bên cạnh đó đã biết chăn nuôi thêm gia súc và gia cầm, ngoài ra còn săn bắn thú nhỏ và đánh cá sông làm thực phẩm phụ.

Qua các hình thái sinh hoạt kinh tế, phần nào có thể hình dung được tổ chức xã hội đương thời. Tất cả mọi người trong thị tộc cùng lao động, cùng hưởng thụ bình đẳng như nhau. Nhưng do sức sản xuất đã phát triển đến một trình độ nhất định nên những người đứng đầu thị tộc hay bộ lạc có một số đặc quyền nào đó về chính trị cũng giữ một phần nào đặc quyền trong việc phân phối sản phẩm.

Di chỉ Lũng Hòa thuộc loại hình văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa Phùng Nguyên phân bố liền khoảnh trong một vùng rộng lớn, dài hàng trăm cây số hai bên bờ sông Hồng, từ Lâm Thao (phía nam tỉnh Phú Thọ), tỉnh Vĩnh Phúc, miền Sơn Tây (Hà Tây) đến Văn Điển (Hà Nội). Văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa vật chất của các bộ lạc thời Hùng Vương ở thời kỳ bắt đầu dựng nước.

ST

Tệp đính kèm