Tối ngày 22/10, tại Bảo tàng Hải Quân (đường Phạm Văn Đồng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình giao lưu truyền thống kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2016).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao tặng bức trướng tại Chương trình giao lưu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu và trao Bức trướng cho Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ thành lập Đoàn 759, tiền thân của Đoàn vận tải biển 125 Hải quân, nay là Lữ đoàn 125 Hải quân. Đoàn có nhiệm vụ mở con đường vận tải chiến lược trên biển để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 Hải quân đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ-ngụy, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận, đánh giá cao thành tích, chiến công của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, sự cống hiến của các cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi sau này sẽ vẫn luôn tự hào, cảm phục và ngưỡng mộ những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ lực lượng đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao những hoạt động tích cực, có hiệu quả của Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc.
Độc đáo, sáng tạo bởi đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến. Cùng với đường Hồ Chí Minh ở đất liền, trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường Nam Bộ. Đường Hồ Chí Minh trên biển - một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lưu ý ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới. Theo đó, Quân chủng Hải quân cần tiếp tục phát huy cao độ truyền thống anh hùng của đoàn tàu không số, vận dụng sáng tạo và phát triển những bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển vào điều kiện mới, xây dựng lực lượng vận tải hải quân an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trên biển; xứng đáng với những công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong Bộ Tư lệnh Hải quân cùng các chiến sỹ trên Đoàn tàu không số chăm sóc cho con tàu còn lại cuối cùng được giữ nguyên vẹn, trở thành một di tích lịch sử, một di sản quốc gia để giáo dục cho thế hệ trẻ biết được giá trị cuộc sống ngày hôm nay và tự nhận trách nhiệm hãy bảo vệ nó trên biển, trên đất liền, dải biên cương của Tổ quốc. Cùng với đó, thành phố Hải Phòng - một căn cứ Hải quân suốt thời kỳ chống Mỹ - tiếp tục là hậu phương lớn của quân đội và Quân chủng Hải quân.
Chia sẻ tại cuộc giao lưu có Đại úy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Tân (tức Năm Kỷ), thuộc lớp thủy thủ đầu tiên của bốn tỉnh miền Nam vượt biển ra Bắc xin vũ khí (tháng 8/1961), rồi đi tàu Phương Đông 1 chở vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) chuyến đầu tiên. Sau đó ông Tân ở lại bến công tác, làm thuyền trưởng tàu vận tải cỡ nhỏ đưa vũ khí theo kênh rạch trực tiếp vào chiến trường. Ông Tân là người chỉ huy tàu chở bốn quả thủy lôi vào cho Đặc công Rừng Sác lập chiến công đánh đắm tàu Mỹ trên sông Lòng Tàu.
Ông Tân nhớ nhất kỷ niệm: "Trước khi tàu Phương Đông 1 đi chuyến đầu chở vũ khí từ Bắc vào Nam, chúng tôi được ăn cơm với đồng chí Phạm Hùng. Đồng chí mong chuyến đi thành công, nhưng cũng dặn dò kỹ rằng phải biết hy sinh nếu gặp địch, để giữ bí mật tuyệt đối về con đường này... Chuyến đi đầu tiên đã thành công mang theo cả niềm tin và hy vọng về một chiến công oai hùng trên con đường huyền thoại."
Đại diện cho thế hệ trẻ - những người viết tiếp bài ca "Con đường huyền thoại," Đại úy Phạm Anh Tuấn, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 21, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải Quân xúc động nhớ về một chuyến đi làm nhiệm vụ dài ngày nhất trên biển. Đó là chuyến vượt biển 74 ngày liên tục. Lúc đó vợ Đại úy Phạm Anh Tuấn mới sinh con thứ hai được ít ngày.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Phạm Anh Tuấn và đồng đội còn chia sẻ nước ngọt cho ngư dân do hạn kéo dài, ít mưa, và điều tổ kỹ thuật sang giúp ngư dân sửa ghe cá tiếp tục đi biển đánh bắt cá...
Tàu Trường Sa 21 và thuyền trưởng Phạm Anh Tuấn vừa vinh dự đạt ba giải nhất trong Hội thao Huấn luyện tàu mặt nước Quân chủng Hải quân năm 2016./.
ĐOÀN MINH HUỆ (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hai-phong-ky-niem-55-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-tren-bien/412243.vnp