Cập nhật: 04/11/2016 08:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong cơ thể người có khoảng 30.000 gene. Vitamin D đã được chứng minh là ảnh hưởng đến khoảng 3.000 gene và có thể ảnh hưởng nhiều gấp đôi.

Tắm nắng không có nghĩa cứ đem trẻ ra phơi nắng là được.

Đó là lý do chính nó ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh: ung thư, tâm thần, tự kỷ đến bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, viêm khớp dạng thấp, các bệnh về răng… và đặc biệt phòng và điều trị hiệu quả 100% bệnh còi xương, suy dinh dưỡng. Đa số các ông bố, bà mẹ cho con tắm nắng để phòng bệnh còi xương do thiếu vitamin D. Tuy nhiên, đại đa số người dân đang và đã nhận thức và thực hiện sai về cách tắm nắng. Bài viết này xin giới thiệu cách tắm nắng hiệu quả, tránh lặp lại những sai lầm hiện nay.

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thiếu vitamin D là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Vitamin D không phải là một vitamin mà là một hormon steroid. Nó được cơ thể tự sản xuất ra khi chúng ta tắm nắng dưới tác động trực tiếp của tia cực tím (Ultra Violet B-UV B) trên da. Hoặc cơ thể có được vitamin D từ thực phẩm bổ sung vitamin D hoặc các chế phẩm vitamin D. Đa số các ông bố, bà mẹ cho con tắm nắng để phòng bệnh còi xương do thiếu vitamin D. Ánh sáng mặt trời là điều cần thiết mang lại sự sống cho muôn loài trên trái đất. Nó cần thiết cho sức khỏe nhưng cũng mang lại một số rủi ro khi cơ thể tiếp xúc với nó không đúng cách

Sai lầm trong cách tắm nắng hiện nay

Ánh sáng mặt trời bao gồm 1.500 bước sóng, trong đó có tia cực tím - tia UV (còn có tên: tia tử ngoại). Tia UV không nhìn thấy, không cảm nhận được nhưng có thể gây tổn thương cho da, cho mắt vào bất kỳ mùa nào trong năm, ngay cả những ngày trời mát, nhiều mây khi cơ thể tiếp xúc với quá nhiều tia UV.

Tia cực tím được chia ra 3 loại: UV A, UV B, UV C có các bước sóng khác nhau, có các tính chất lí sinh khác nhau.

Tia UVB: có tác dụng tạo vitamin D. Chỉ chiếm 1-3% tổng số bức xạ UV mặt trời chiếu xuống trái đất. Nó chỉ thâm nhập vào khí quyển khi mặt trời trên một góc 50 độ so với đường chân trời (khoảng sau 9 giờ sáng và trước 3 giờ chiều). Khi mặt trời thấp hơn 50 độ, tầng ozone cản trở gần như hoàn toàn UVB. UVB không xuyên được qua quần áo, không xuyên qua được cửa kính. Ngoài ra, ô nhiễm không khí, mây nhiều, mùa đông cũng làm giảm lượng UVB chiếu xuống trái đất.

Trong khi đó, UVA lại phá hủy vitamin D, là thủ phạm chính gây ung thư da, gây sẫm màu cho da, lão hóa da…  chiếm 97-99% tia UV chiếu xuống trái đất, có bước sóng dài hơn UVB, dễ dàng xuyên qua tầng  ozone, qua mây, qua quần áo, qua cửa kính. Khi có mặt trời là có UVA.

UVC, rất may mắn, bị tầng ozone cản lại hoàn toàn, không chiếu xuống trái đất.

Mục đích của tắm nắng là để cơ thể tạo vitamin D, chống còi xương, Nhưng trước khoảng 9 giờ sáng, sau khoảng 3 giờ chiều là không có tia UVB chiếu xuống trái đất. Và tắm nắng vào trước và sau hai thời điểm này là vô ích, cơ thể không nhận được tia UVB. Trong khi đó, chúng ta lại phơi mình vào sự nguy hiểm là phơi mình dưới tia UVA.

Vậy tắm nắng thế nào là đúng?

Chỉ tắm nắng khi độ dài bóng nắng cơ thể bạn ngắn hơn chiều cao của bạn. Tức là khoảng sau 9 giờ sáng cho đến trước 3 giờ chiều. Ở châu Âu, châu Mỹ tắm nắng vào buổi trưa.

Những ngày đầu tiên mới tắm nắng, chỉ tắm nắng 3-5 phút (đặc biệt khi đang giữa mùa hè) để cơ thể làm quen với ánh nắng. Các tế bào melanocyte sẽ sản xuất các sắc tố tránh cho làn da tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng để bảo vệ cơ thể. Khi cơ thể đã làm quen với ánh nắng, vào  mùa  hè  chúng ta tắm nắng  5-10 phút, vào mùa đông 15 -20 phút. Giờ tắm nắng càng gần buổi trưa càng ngắn hơn. Đeo kính có khả năng chống tia UV, đội mũ rộng vành khi tắm nắng.

Quan sát màu da, khi thấy da ửng hồng là chúng ta đã tắm nắng đủ.

Tránh ánh nắng chiếu vào khu vực mặt, xung quanh mắt vì làn da mỏng nhất trong cơ thể.

Có thể bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da chiếu nắng để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tạo vitamin D.

Trong suốt những ngày không có ánh nắng hoặc mùa đông, lựa chọn tốt nhất của chúng ta là không tắm nắng mà nên bổ sung vitamin D theo đường miệng. Liều bổ sung không khác biệt nhiều với các lứa tuổi: từ 400 - 600 đơn vị  vitamin D mỗi ngày.

Cần nhìn nhận lại cách tắm nắng, đặc biệt cho trẻ em để phòng chống bệnh còi xương dinh dưỡng: Nên tắm nắng trước 9 giờ sáng và sau 4-5 giờ chiều là sai lầm. Hậu quả là mặc dù đã được tắm nắng đầy đủ nhưng nhiều cháu vẫn bị bệnh còi xương. Người lớn vẫn tắm nắng nhưng vẫn thiếu vitamin D, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Cách tắm nắng này không những không phòng, điều trị được thiếu vitamin D nói chung, bệnh còi xương trẻ em mà còn làm giảm lượng vitamin D trong cơ thể, làm tăng nguy cơ các bệnh về mắt: tia UV gây đục thủy tinh thể, ung thư da xung quanh mi mắt, thoái hóa điểm vàng, viêm kết mạc giác mạc; Với da: gây ung thư da.

BS. Văn Hào

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm