Đến huyện Sông Lô, nhắc đến mây tre đan chắc không ai không biết đến làng nghề Mây tre đan của xã Cao Phong. Nghề mây tre đan nơi đây đã có từ lâu đời và hiện nay đã phát triển thành Làng nghề. Theo sự giới thiệu của Chủ tịch hiệp hội làng nghề mây tre đan xã, Phóng viên chúng tôi đã đến thăm doanh nghiệp tư nhân Thịnh Hoàng do anh Khổng Minh Trong làm chủ. Đây là một trong 2 doanh nghiệp sản suất mây tre đan lớn nhất của làng nghề, đồng thời cũng là "cơ nghiệp" của người đầu tiên đưa mây tre đan về với xã Cao Phong.
Mô hình sản xuất mây tre đan của gia đình anh Khổng Minh Trong
Anh Khổng Minh Trong sinh năm 1962 ở thôn Mới, xã Cao Phong huyện Sông Lô. Nói về nghề mây tre đan, anh vẫn luôn cho rằng mình có duyên với nghề. Năm 1992, cuộc sống khó khăn, vì kiếm kế mưu sinh, anh làm nghề buôn mây thô và giao hàng cho các điểm tập kết, thu gom mây lớn ở Hưng Yên, Hà Đông, Thái Bình; rồi dần dần, anh mở rộng mối thu mua mây từ tỉnh nhà sang 6 tỉnh phía Bắc, từ buôn mây thô, anh bắt đầu học nghề mây tre đan, đem nghề mây tre đan về làng dạy cho bà con, anh em cùng làm. Mới đầu, các sản phẩm của anh còn nhỏ lẻ, nhận làm thuê cho các doanh nghiệp sản xuất mây tre đan lớn; làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Đến năm 2004, với kinh nghiệm và những mối quen biết sẵn có, cộng thêm việc anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện ủng hộ, anh đã thành lập hợp tác xã mây tre đan xuất khẩu Cao Thắng, từ đó anh càng tâm huyết và đam mê với nghề hơn. Trên cơ sở hoạt động của Hợp tác xã, anh bắt đầu mời thầy giỏi về mở lớp đào tạo tay nghề cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Có thợ, anh lại nhận thêm nhiều hợp đồng từ các doanh nghiệp lớn về giao, tạo công ăn việc làm đồng thời tạo cơ hội cho bà con nâng cao tay nghề; các sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là Chao đèn, Hàng mấn và một vài loại hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Năm 2011, nhận thấy quy mô hợp tác xã không phù hợp để nhận và sản xuất theo các hợp đồng lớn, anh Khổng Minh Trong lại quyết định chuyển sang thành lập doanh nghiệp, lấy tên là doanh nghiệp tư nhân Thịnh Hoàng; từ đó đến nay, doanh nghiệp Thịnh Hoàng ngày một mở rộng quy mô, mở rộng thị trường và dần khẳng định thương hiệu với công ty mẹ.
Không chỉ làm giàu cho chính mình, anh Khổng Minh Trong còn truyền dạy nghề mây tre đan cho rất nhiều bà con trong, ngoài xã. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân của anh cũng đang tạo công ăn việc làm lâu dài, thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương khoảng 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp của anh còn nhận thêm trên 200 lao động làm việc bán thời vụ hoặc khoán sản phẩm. Trung bình 1 tháng, doanh nghiệp Thịnh Hoàng giao khoảng 10.000 sản phẩm; trừ các chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng. Có thu nhập từ nghề mây tre đan, tuy nhiên anh Khổng Minh Trong vẫn cho rằng nghề mây tre đan xã cao Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; nếu nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về ngân sách, có chính sách ưu đãi làng nghề,bảo vệ môi trường thi nghề mây tre đan Cao Phong chắc chắn còn phát triển hơn nữa.
ST