Nam giới có đặc thù riêng, từ lúc trưởng thành đến khi về già đều có sự ham muốn tình dục và sinh hoạt tình dục bình thường.
Cháo nhân sâm hợp với quý ống “yếu, mệt”.
Nếu bộ phận sinh dục không có gì thay đổi, mà có sự bất thường trong sinh hoạt tình dục, gọi là rối loạn chức năng sinh dục đơn thuần, sự rối loạn này ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người bệnh, gây các bệnh như liệt dương, di mộng tinh, cường dương, vô sinh hay không xuất tinh… Cần phải tìm nguyên nhân để chữa trị, đồng thời kết hợp với khâu dinh dưỡng, ăn cháo để phục hồi chức năng sinh lý, tập dưỡng sinh, đi bộ hay ngồi thiền… Xin giới thiệu vài loại cháo chữa bệnh.
1- Cháo gà nhân sâm: thịt gà 50g, gạo tẻ 50g, nhân sâm 15g, nhân sâm ngâm nước cho mềm, thái lát, gạo và thịt gà cho vào ninh gần chín, cho nhân sâm, gia vị vừa đủ, ăn ngày 1 lần trong 1 tháng. Theo y học cổ truyền: nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn ấm, có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ thận tráng dương, nâng cao thể trạng. Gà là loại thực phẩm có tỷ lệ đạm cao, bổ khí huyết, ích thận tinh, chống tiêu hao năng lượng, tăng cường sức dẻo dai trong sinh hoạt tình dục.
2- Cháo câu kỷ tử: câu kỷ tử 50g, sơn dược 50g, gạo tẻ 50g, quả dâu 30g. Cho các vị thuốc trên và gạo với lượng nước vừa đủ, ninh nhừ, nêm gia vị ăn ngày 1 lần trong 1 tháng. Theo y học cổ truyền, câu kỷ tử có vị ngọt tính bình, bổ can thận, sinh tân chỉ khát, nâng cao chuyển hoá cơ bản. Sơn dược có vị ngọt, tình bình, ích khí, dưỡng tâm, bổ tỳ, thận, phế. Quả dâu vị ngọt tính hàn, có tác dụng tư âm, bổ huyết, sinh tân, nhuận tràng và bổ sung nhiều vitamin. Cháo chữa cho người muộn con, tinh trùng yếu, tai ù, gối mỏi, hay bồn chồn không yên, miệng khô háo, chất lưỡi đỏ, hay ra mồ hôi, ăn cháo kết hợp thể dục.
3- Cháo ngao: ngao 4 con, gạo tẻ 100g, ngân hoa 10g. Ngao rửa sạch, ướp gia vị, gạo tẻ ninh nhừ với ngân hoa. Khi cháo gần chín, cho ngao vào, nêm gia vị vừa đủ, ngao há miệng ra là được, ăn ngày 1 lần trong 1 tháng. Ngao vị mặn, tính hàn, bổ thận, lợi thuỷ, tăng chuyển hoá trong cơ thể. Ngân hoa vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chống nhiễm khuẩn. Cháo có tác dụng chữa cho người dương vật mềm, không cương lên được, âm nang ẩm ướt có mùi hôi, có khi đau tức, người mỏi mệt, chân tay rời rã, miệng đắng môi khô, nóng ruột hay khát nước.
4- Cháo thịt dê nhục thung dung: thịt dê 100g, gạo tẻ 150g, nhục thung dung 15g. Thịt dê thái nhỏ ướp gia vị, nhục thung dung ninh nhừ bỏ bã, cho gạo và thịt dê vào ninh nhừ, cho hành, gia vị vừa đủ, ăn nóng cách ngày, ăn trong 1 tháng. Theo đông y: nhục thung dung vị ngọt, mặn, tính ôn, bổ thận dương, ích tinh huyết. Thịt dê có vị cay, tính ôn có tác dụng ôn bổ tỳ thận, thông kinh tán hàn. Lượng protid cao làm kích thích hormon sinh dục. Cháo này chữa cho người bị liệt dương, xuất tinh sớm, chân tay lạnh, lưng gối mỏi, đau lưng, sức khoẻ yếu, lưỡi nhạt, thở yếu, nói nhỏ. Kết hợp tập dưỡng sinh, kiêng ăn cay nóng.
5- Cháo ý dĩ đậu đỏ: ý dĩ nhân 60g, gạo tẻ 250g, đậu đỏ 60g. Cho đậu, gạo và ý dĩ cùng với nước ninh nhừ thành cháo, gia vị vừa đủ ăn hàng ngay, ăn trong 1 tháng. Ý dĩ vị ngọt, tính hàn, tác dụng lợi thấp, kiện tỳ, thanh nhiệt, trấn tĩnh, giảm đau. Đậu đỏ vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi thuỷ, tiêu ứ, lợi thấp giải độc. Cháo dùng cho người không có tinh trùng, tinh trùng yếu, chưa có con, đau lưng mỏi gối, đau tinh hoàn, người mệt mỏi ăn ngủ kém, hay ra mồ hôi, thở yếu, khí huyết kém, nói nhỏ. Cần kiêng ăn cay nóng.
BS. ĐÀO KIM NGÂN
Theo suckhoedoisong.vn