Cập nhật: 04/11/2016 08:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng Phú Cam còn được gọi là phường Phước Vĩnh, ngay ở trung tâm thành phố Huế, trên bờ nam sông An Cựu. Nón Huế, nón Phú Cam đã xinh ở dáng lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá.

Làng nón lá Phủ cam

 Dáng nón trước hết phụ thuộc vào khung nón. Cả làng nón Phú Cam chỉ có một gia đình bác Tân nối đời làm khung nón, giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành... như một thứ gia bảo cha truyền con nối, theo một thẩm mỹ dân gian "hay mắt" mà thật ra là cả một tỷ lệ toán học đã được nhiều đời và nhiều vùng kiểm nghiệm "thuận mắt ta ra mắt người". Sau khung là lá nón, phải chọn lá vừa tuổi để chỉ 8-9 lá đủ chằm một cái nón, lại tránh được sự thô nặng phải dùng nhiều lá nón, hoặc lá già đầy... có lá đúng tuổi còn phải xử lý qua một quy trình công nghệ sấy ủi phức tạp. Cả làng chỉ có bốn gia đình thạo kỹ thuật mở lò sấy thủ công. Khi lò đỏ lửa, lá phải được đảo liên tục cho đến lúc đủ xanh và chín tới từng gân lá, thì chuyển sang đệm om trong độ ấm của lò.

Nón Huế duyên dáng còn do bộ xương 16 cái vành lớn nhỏ khác nhau. Các cụ ông đảm nhiệm khâu chuốt vành rồi lên khung nón, còn cụ bà thì nhận phần nức vành và ủy lá, các cháu gái làm khâu cuối cùng là chằm. Với cây mác sắc các cụ chuốt từng sợi tre nan vành đều đặn, tròn trặn và bóng bảy. Những nan vòng được uốn thành vòng thật tròn, với hai đầu tre được liền với nhau bằng sợi chỉ khéo léo. Với tay kim chằm, các cháu gái khâu thêm nón một cách tỷ mỷ những sợi chỉ cước trong suốt gắn những tấm lá trắng xanh được sắp xếp đều đặn vào bộ vành.

Ở Huế ngay cả quai nón cũng là một nghệ thuật, có khi là dải gấm đen tuyền, nhưng thường là dải lụa trắng bạch hay các màu nhẹ như vàng mỡ gà, hồng ráng chiều, xanh ánh trăng, biếc liễu non, tím e ấp... Mầu sắc ấy cũng lại hợp với cái nắng mưa đa tình ở xứ Huế.

Có thể nói, nón bài thơ là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng ở riêng Huế. Nó không chỉ đơn thuần là vật đội đầu để che mưa che nắng mà còn là vật để làm duyên, trang điểm thêm cho vẻ đẹp dịu dàng, đáng yêu của những cô gái Huế. Vì thế chiếc nón Huế đã đi vào nhạc, vào thơ, vào những bức tranh, bức ảnh. Những văn nghệ sỹ đến, làm nên tác phẩm rồi đi mà vẫn hẹn lòng quay lại bởi niềm hứng khởi trước những vẻ đẹp duyên dáng dịu dàng của người con gái Huế cùng mảnh đất Huế thân yêu.

 ST

 

 

Tệp đính kèm