Có thể khẳng định rằng: ở mỗi thời kỳ, đồng tiền đều được sinh ra từ việc trao đổi hàng hoá, bản thân nó chính là sự phản ánh về lịch sử, chính trị, văn hoá, tư tưởng của mỗi triều đại.
Theo các nhà nghiên cứu thì ở nước ta đồng tiền kim loại đầu tiên được chính thức ra đời dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X), trải qua các đời vua chúa tiếp theo, hầu như đời nào cũng cho đúc tiền và những đồng tiền ấy đều được đặt theo tên niên hiệu của đời vua đó để khẳng định một đất nước có chủ quyền, có quyền bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới. Mỗi thời có một kiểu đúc mang phong cách khác nhau, tiền đúc to nhỏ, nặng nhẹ, xấu đẹp phản ánh sát tình hình tài chính của xã hội lúc bấy giờ và đặc biệt nó còn đánh dấu sự tồn tại của từng thời đại. Do vậy khi nghiên cứu về tiền cổ, phần nào ta được cung cấp những thông tin quan trọng về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá của các thời đại trước.
Nhằm tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này, xin giới thiệu thông qua sưu tập Tiền cổ Việt Nam tại kho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
Kho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang lưu giữ một khối lượng tiền cổ khá phong phú cả tiền Việt Nam và tiền nước ngoài (chủ yếu là tiền Trung Quốc). Nguồn hiện vật này chủ yếu khai thác, sưu tầm được ở trong nhân dân (một số ít do các nhà sưu tầm cổ vật tư nhân hiến tặng). Trong quá trình đào giếng, đào móng nhà hoặc làm các công trình khác họ phát hiện ra cổ vật tiền và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý, Bảo tàng tỉnh cử cán bộ xuống thực địa xác minh và đưa về Bảo tàng, tiến hành phân loại, lập hồ sơ khoa học, nhằm mục đích phục vụ lâu dài việc nghiên cứu và trưng bày Bảo tàng.
Tiền cổ ở đây đều được làm bằng kim loại, hình dáng giống nhau đều là hình tròn có lỗ vuông ở giữa, có gờ viền mép ở cả mặt và lưng tiền. Mặt tiền được đúc nổi bốn chữ Hán ở xung quanh, đọc theo hai cách: Đọc chéo từ trên xuống dưới, từ trái sang phải hoặc đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ với các kiểu chữ chân phương, chữ thảo, chữ triện hoặc kết hợp các kiểu chữ ấy với nhau, trong đó hai chữ đọc đầu tiên là niên hiệu của đời vua đang trị vì. Lưng tiền hầu như để trơn, một số ít tiền có ghi chữ hoặc một ký hiệu nào đó. Đường kính của đồng tiền dao động khoảng từ 17 đến 26 mm.
Dựa vào các tiêu chí này, bước đầu chúng tôi đã phân loại và bảo quản thành hai sưu tập là tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc. Trong phạm vi bài viết, xin giới thiệu về sưu tập tiền cổ Việt Nam hiện đang lưu giữ trong kho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, có khoảng hơn 60 loại ở các triều đại sau:
Tiền cổ triều Tiền Lê (980-1009).
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua, lập nên triều Tiền Lê - tồn tại trong lịch sử được 29 năm. Sau khi đánh thắng quân Tống ở phương Bắc và thu phục nước Chiêm Thành ở phía Nam, triều Tiền Lê bước vào xây dựng đất nước. Nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phát triển thì việc giao lưu buôn bán trong nước và nước ngoài phần nào cũng được mở mang, đồng tiền đã bắt đầu xuất hiện. Theo các nhà nghiên cứu về lĩnh vực tiền cổ thì tiền thời Lê được phân ra làm nhiều loại, nhưng hiện nay Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ có một loại và đây là đồng tiền có niên đại sớm nhất ở trong sưu tập này.
Tiền “Thiên Phúc trấn bảo”, đời vua Lê Đại Hành, niên hiệu thứ nhất (980-988), đọc chéo, chữ viết chân phương rõ nét. Lưng tiền có chữ “Lê” đúc nổi ở bên trên lỗ vuông.
Tiền cổ triều Lý (1010-1225).
Triều Lý tồn tại được 215 năm trong lịch sử và được đánh giá là quốc gia phong kiến Việt Nam phát triển toàn diện về mọi mặt. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế được đẩy mạnh: Công - thương nghiệp phát triển, sự lưu thông hàng hoá và trao đổi sản phẩm được mở rộng vì thế quan hệ giao lưu buôn bán trong và ngoài nước tiếp tục phát triển mạnh. Các đời vua triều Lý hầu như đời nào cũng cho đúc tiền, trong sưu tập này chúng tôi mới xác định được 10 loại đúc ở 4 đời vua:
Đời vua Lý Thái Tông, niên hiệu thứ ba và thứ tư (1039-1041) có hai loại là “Càn Phù nguyên bảo” và “Minh Đạo nguyên bảo”, đều được đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn.
Đời vua Lý Nhân Tông, niên hiệu thứ bảy (1120-1126) cho đúc tiền “Thiên Phù thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn.
Đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu thứ hai (1140-1162) cho đúc tiền “Đại Định thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn
ở niên hiệu thứ ba (1163-1173) đời vua Lý Anh Tông còn có tiền “Chính Long nguyên bảo” , đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, chữ “nguyên” viết theo lối chữ triện. Lưng tiền để trơn.
Các đồng tiền được đúc vào đời vua Lý Cao Tông, niên hiệu thứ tư (1206-1210) như: “Trị Bình thánh bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn; “Trị Bình nguyên bảo”, đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, một loại chữ viết chân phương, một loại có riêng chữ “nguyên” viết theo lối chữ triện. Lưng tiền để trơn; “Trị Bình thông bảo”, đọc chéo, một loại chữ viết chân phương, một loại có riêng chữ “Trị” viết theo lối chữ thảo. Lưng tiền để trơn.
Tiền thời Lý nhìn chung nhẵn, bóng, có cả loại dày và mỏng, chữ trên tiền rõ, dễ đọc.
Tiền cổ triều Trần (1225-1400)
Triều Trần từng tồn tại trong lịch sử 175 năm với 13 đời vua. Dựa trên nền tảng vững chắc được xây dựng từ triều Lý, ở triều đại Trần quốc gia phong kiến càng được củng cố và phát triển, sức sản xuất được phục hồi nhanh chóng, nền kinh tế xã hội, trong đó công - thương nghiệp có những tiến bộ mới. Những làng thủ công xuất hiện, kinh thành được mở rộng hơn và nhiều nơi đã có chợ, có phường thủ công và phố xá buôn bán. Nhà nước cũng đã có quy định và thống nhất đơn vị tiền tệ nên việc đúc tiền rất được trú trọng. Các nhà nghiên cứu về lĩnh vực tiền cổ đã xác định được 5 loại tiền đúc dưới các đời vua Trần, song cho đến nay trong sưu tập tiền cổ Việt Nam tại Bảo tàng Vĩnh Phúc tiền thời Trần mới chỉ có 3 loại, đúc dưới 2 đời vua:
Đời vua Trần Thái Tông, niên hiệu thứ ba (1251-1258) có hai loại tiền “Nguyên Phong thông bảo” đều được đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, nhưng một loại chữ viết chân phương, một loại viết theo lối chữ triện. Lưng tiền của cả hai loại đều để trơn.
Đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu thứ nhất (1341-1357) đúc tiền “Thiệu Phong bình bảo”. đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn.
Tiền thời Trần ở đây tuy không phong phú về loại hình nhưng lại có số lượng khá nhiều, các đồng tiền hầu như được đúc nhỏ, mỏng, chỉ có ít một số đồng được đúc hơi dày.
Tiền cổ thời Hồ (1400- 1407)
Năm 1400, sau khi truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, Hồ Quý Ly tự lên làm vua lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi Quốc hiệu là Đại Ngu lập nên triều Hồ. Triều đại này tồn tại trong lịch sử 7 năm với hai đời vua, cả hai ông vua đều ra sức cải tạo đất nước, một trong những chính sách cải tạo của triều Hồ là cho phát hành tiền giấy. Tuy nhiên, ở đời vua Hồ Quý Ly cũng cho đúc tiền đồng mang niên hiệu của mình để thể hiện thời gian trị vì đất nước. ở đây, chúng tôi xác định được một loại là tiền “Thánh Nguyên thông bảo”, đời Hồ Quý Ly (1400-1401), đọc chéo, chữ “Nguyên” viết theo lối chữ triện, 3 chữ còn lại viết chân phương. Lưng tiền để trơn
Tiền thời này đúc nhỏ, mỏng, kỹ thuật đúc rất xấu, có số lượng rất ít thể hiện tình hình sa sút của nền sản xuất xã hội, sự lưu thông hàng hoá sút kém của triều Hồ.
Tiền cổ thời Lê Sơ (1428-1526)
Năm 1427, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi (người lãnh đạo cuộc kháng chiến) lên ngôi vua và sáng lập ra triều Lê, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, tồn tại 98 năm trong lịch sử. Thời kỳ này kinh tế công - thương nghiệp được phục hồi nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ, giao lưu buôn bán cũng được mở rộng và nhu cầu đồng tiền trong lưu thông hàng hoá trở nên cấp thiết hơn trước. Nhà nước đã có quy định và thống nhất đơn vị tiền tệ, các đời vua thời Lê dù thịnh hay suy cũng đều chú trọng đến việc đúc tiền mang tên niên hiệu của mình. Tiền thời Lê ở đây có 12 loại đúc dưới 8 đời vua:
Đời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) có một loại là tiền “Thuận Thiên nguyên bảo” đọc chéo, chữ viết chân phương, rõ nét. Lưng tiền để trơn
Các đồng tiền: “Thiệu Bình thông bảo”, “Thiệu Bình thánh bảo” và “Đại Bảo thông bảo” đều được đúc ở đời vua Lê Thái Tông (1434-1442), chữ trên mặt các đồng tiền được đọc chéo, kiểu chữ chân phương rõ nét. Lưng tiền để trơn.
Đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459) có hai loại: “Thái Hoà thông bảo” và “Diên Ninh thông bảo”, đều được đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn.
Đời vua Lê Nghi Dân (1459-1460) có đồng “Thiên Hưng thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương, dễ đọc. Lưng tiền để trơn
Đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có hai loại: “Quang Thuận thông bảo” và “Hồng Đức thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương.
Đời vua Lê Hiến Tông (1498-1504) có tiền “Cảnh Thống thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương rõ nét. Lưng tiền có chữ “Nhất”
Đời vua Lê Uy Mục (1505-1509) có tiền “Đoan Khánh thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn
Đời vua Lê Tương Dực (1510-1516) có tiền “Hồng Thuận thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương, rõ nét. Lưng tiền để trơn
Các loại tiền của các ông vua thời Lê đều được đúc hơi dày, kích thước to đều nhau (25mm) các chữ trên đồng tiền dễ đọc.
Tiền cổ thời Mạc (1527-1677)
Năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế đã phế truất triều Lê, lập nên vương triều Mạc và tồn tại trong lịch sử 150 năm. Trên thực tế, họ Mạc cũng chỉ là một tập đoàn phong kiến quân phiệt vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền, đoạt ngôi, do vậy không những không được nhân dân ủng hộ lại bị các phe phái đối lập (Nguyễn Kim cùng con rể là Trịnh Kiểm) nấp dưới chiêu bài khôi phục triều đại chính thống chống lại. Cục diện Nam - Bắc triều xuất hiện, nhà Mạc thống trị vùng Bắc Bộ (từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra) gọi là Bắc triều, còn vùng Thanh Hoá trở vào gọi là Nam triều do họ Trịnh nắm quyền. Tình hình nội chiến liên miên kéo dài trên nửa thế kỷ diễn ra giữa hai tập đoàn phong kiến đó đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển của sức sản xuất mọi mặt, tình hình kinh tế hàng hoá vốn đã kém phát triển lại càng sa sút trầm trọng. Cả hai bên đều cho đúc tiền để lưu hành trong vùng mình thống trị. Theo nghiên cứu, nhà Mạc có 5 đời vua cho đúc tiền, tuy nhiên trong sưu tập tiền cổ Việt Nam tại Bảo tàng Vĩnh Phúc mới chỉ có 3 loại tiền được đúc dưới 2 đời vua:
Loại 1. Tiền “Đại Chính thông bảo “, đời vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540), đọc chéo, chữ viết chân phương, lưng tiền để trơn
Loại 2 và 3 đúc dưới đời vua Mạc Kính Cung (1593-1625) gồm:
Tiền “Thái Bình thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương rõ nét. Lưng tiền trơn.
Tiền “An Pháp nguyên bảo”, đọc vòng tròn, chữ viết chân phương rõ nét. Lưng tiền trơn.
Tiền thời Mạc đúc rất mỏng và nhỏ, kỹ thuật đúc kém.
Tiền cổ thời Lê Trung Hưng (1533-1788)
Thời Lê Trung Hưng hay còn gọi là thời Hậu Lê tồn tại trong khoảng thời gian khá dài: 255 năm (tồn tại song song với nhà Mạc từ 1533-1592 và với hai phủ Trịnh - Nguyễn từ 1792-1789), tuy nhiên những ông vua thời này chỉ đóng vai trò là bù nhìn, quyền hành ở cả trong tay các chúa Trịnh. Chiến tranh Trịnh - Mạc vừa kết thúc thì chiến tranh Trịnh -Nguyễn lại xảy ra vì thế nền kinh tế hàng hoá của nước ta vốn đã không phát triển nay lại càng có bước thụt lùi, công việc ngoại thương đình đốn, tổ chức chính quyền không ổn định. Và do ảnh hưởng của chiến tranh, 9 ông vua đầu thời Lê Trung Hưng hầu như không cho đúc tiền. Phải đến thế kỷ XVIII thì nền kinh tế hàng hoá mới dần được khôi phục và việc đúc tiền mới trở lại thường xuyên hơn.
Hiện nay ở Bảo tàng Vĩnh Phúc có 18 loại tiền thời kỳ này, được đúc ở 5 đời vua:
Vua Lê Thế Tông, niên hiệu thứ nhất (1573-1577) đúc tiền “Gia Thái thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền trơn.
Vua Lê Thần Tông niên hiệu thứ ba (1658- 1661) có tiền “Vĩnh Thọ thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng để trơn
Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu thứ nhất (1705-1719) có tiền “Vĩnh Thịnh thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương, rõ nét. Lưng tiền trơn
Vua Lê Hiển Tông (1740-1786) cho đúc tiền “Cảnh Hưng thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương hoặc viết theo lối chữ triện, hoặc có đồng chỉ có chữ “Cảnh” viết triện. Lưng tiền hầu như để trơn hoặc có ít đồng có chữ “Trung” đúc nổi ở bên trên lỗ vuông.
Các loại tiền khác của đời vua Lê Hiển Tông: “Cảnh Hưng vĩnh bảo”, “Cảnh Hưng cự bảo”, “Cảnh Hưng lai bảo”, “Cảnh Hưng tuyền bảo”, “Cảnh Hưng trọng bảo”, “Cảnh Hưng nội bảo” đều được đọc chéo, chữ viết chân phương rõ nét. Lưng tiền để trơn
Vua Lê Mẫn Đế (1787-1788) cho đúc tiền “Chiêu Thống thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền có đồng để trơn, có đồng có chữ “Nhất”, chữ “Trung”, chữ “Sơn”, chữ “Sơn Nam” hoặc chữ “Chính”…
Tiền thời Lê Trung Hưng khá phong phú cả về chất liệu và loại hình, chữ trên tiền đẹp, sắc nét và dễ đọc.
Tiền thời Tây Sơn (1778- 1801).
Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ năm 1771, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo đánh đổ tập đoàn phong kiến họ Nguyễn (1783), tiêu diệt quân xâm lược Xiêm ở phía Nam (1784), xoá bỏ chế độ họ Trịnh ở phía Bắc (1786) và đánh đuổi quân xâm lăng Mãn Thanh (1789) thống nhất toàn bộ lãnh thổ. Nguyễn Nhạc lên ngôi vua lấy niên hiệu là Thái Đức, trị vì từ 1778- 1793; Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy niên hiệu là Quang Trung (1788-1793); Nguyễn Quang Toản lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh (1793-1801).
Trong công cuộc xây dựng đất nước, triều đại Tây Sơn đã có những chủ trương táo bạo, chính sách đúng đắn về các mặt kinh tế và văn hoá. Mặc dù tuổi thọ của triều đại này là quá ngắn, nhưng cả ba đời vua đều đã cho đúc tiền để thể hiện vị thế của mình. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đều có các loại tiền của các đời vua trên gồm 8 loại:
Đời vua Nguyễn Nhạc (1778-1793) cho đúc tiền “Thái Đức thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền trơn hoặc có loại có 4 vành trăng khuyết úp vào 4 gờ viền lỗ vuông.
Đời vua Nguyễn Huệ (1788-1793) cho đúc tiền “Quang Trung thông bảo”, đọc chéo, chữ viết chân phương. Lưng tiền để trơn hoặc có loại có chữ “Nhất” hoặc chữ “Trung”, “Công” bằng chữ Hán, có những đồng có 4 vành trăng khuyết đúc nổi.
Tiền “Cảnh Thịnh thông bảo” và “Bảo Hưng thông bảo” đều do Nguyễn Quang Toản (1793-1801) cho đúc, đọc chéo, chữ viết chân phương, rõ nét. Lưng tiền trơn.
Tiền cổ thời Tây Sơn đúc hơi dày, khá phong phú về kích thước và cách trang trí ở mặt lưng tiền.
Tiền cổ thời Nguyễn (1802- 1945).
Triều Nguyễn tồn tại trong lịch sử gần 150 năm, trong khoảng thời gian ấy thì đồng tiền đã có nhiều biến động, các đời vua đều cho đúc tiền với chất liệu khá phong phú như: Đồng, kẽm, vàng, bạc... Tuy nhiên, ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay mới chỉ có 6 loại tiền của thời Nguyễn thuộc các đời vua như: Gia Long (1802- 1819), Minh Mệnh (1820-1840), Tự Đức (1848-1883), Thành Thái (1889-1907), Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1926-1945). Trong đó chỉ có tiền “Minh Mệnh thông bảo” và “Tự Đức thông bảo” là đúc bằng kẽm, còn lại 4 loại tiền “Gia Long thông bảo”, “Thành Thái thông bảo”, “Khải Định thông bảo” và “Bảo Đại thông bảo” đều đúc bằng đồng, chữ trên các đồng tiền đều được đọc chéo, kiểu chữ chân phương, nét nhỏ, thanh. Riêng đồng tiền mang niên hiệu Thành Thái thì ở lưng tiền còn được đúc nổi hai chữ “Thập văn” ở bên phải và bên trái lỗ vuông, các đồng còn lại lưng tiền đều để trơn.
Tiền thời Nguyễn khá đa dạng về kích cỡ: Đời Bảo Đại được đúc rất nhỏ và mỏng, đường kính của đồng tiền khoảng 17mm; đời Thành Thái tiền đúc dày, có kích cỡ lớn nhất trong sưu tập này: 26mm; còn ở các đời vua khác có đường kính thuộc loại trung bình: 23mm.
Sưu tập tiền cổ trên đây xứng đáng được xem là nguồn sử liệu quan trọng, thông qua nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nghiên cứu và tìm hiểu các diễn biến lịch sử của các triều đại phong kiến xưa. Tuy nhiên trong sưu tập tiền cổ Việt Nam ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc có thời kỳ vẫn còn bị gián đoạn bởi có một số đời vua của hầu hết các triều đại phong kiến kể trên đã từng tồn tại trong lịch sử nhưng lại chưa thấy có đồng tiền nào ở đây. Vì thế bằng nhiều hình thức, cần sưu tầm bổ sung những loại tiền còn thiếu ở các triều đại, không những tiền bằng đồng mà bằng mọi chất liệu khác làm phong phú thêm loại hình hiện vật ở kho cơ sở, nhằm mục đích phục vụ lâu dài việc nghiên cứu và hơn thế nữa để tiến tới xây dựng hoàn chỉnh phòng trưng bày chuyên đề về Tiền cổ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
ST