Hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng, dân tộc Lự ở tỉnh Lai Châu lại tổ chức lễ mừng cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất và cầu mong mùa màng.
Khi lúa bắt đầu chín, bà chủ nhà người Lự lấy gùi lúa non đầu tiên về làm xôi cốm (khảu háng) để giành làm lễ cúng cơm mới. Mâm lễ cúng chủ yếu là các sản vật do chính bàn tay lao động của con cháu từ trên nương, dưới ruộng làm ra gồm: lợn, gà, xôi, rượu... Ngoài ra, còn có các món chế biến từ cá và các loại côn trùng, măng, rau rừng.
Theo quan niệm của người Lự là dùng thịt những con thú, côn trùng chuyên phá hoại mùa màng để chế biến thành đồ lễ, ý nghĩa để răn đe những loại thú, côn trùng chuyên phá hoại mùa màng.
Lễ mừng cơm mới của người Lự Lai Châu (Ảnh: TTXVN)
Bà Tao Thị Đa, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bà cho biết: “Lễ cúng cơm mới của người Lự có từ lâu đời. Sau khi thu lúa mới về nhà thì làm lễ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ để tỏ lòng thành với những người đã khuất đồng thời cầu mong sức khỏe, an lành và mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong những năm tới”.
Lễ mừng cơm mới được người Lự làm trong nhà, ngay gian thờ linh thiêng, đây được coi là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên, những người đã khuất. Ông chủ bê mâm lễ đặt lên gian thờ và khấn vái tổ tiên. Lễ cúng xong, gia chủ mời anh em họ hàng, dân bản chung vui bữa cơm thân mật. Họ cùng nhau nâng chén rượu và thưởng thức các món ăn dân tộc được chế biến từ đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Lự. Trong lễ mừng cơm mới không thể thiếu các loại bánh truyền thống như bánh nếp, bánh chưng.
Bà Tao Thị Pénh, bản Hon 2, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bộc bạch: “Nhà mình làm bánh nếp, không chỉ để thờ cúng mà còn là món để tiếp khách và làm quà. Để có bánh ngon phải chọn gạo nếp dẻo thơm và ngâm từ tối hôm trước, sáng hôm sau vớt gạo để ráo nước mới đem nghiền bột rồi nhào với đường cho nhuyễn, gói lá xong đem đồ chín…”.
Một trong những việc cũng không thể thiếu trong Lễ Mừng Cơm Mới của người Lự là kiêng nhà. Sau khi ăn uống ông chủ gia đình đan tấm phên hình mắt cáo gọi là “ta leo”, dùng lá xanh cài và cắm trước cửa nhà. Kiêng trong 3 ngày, không mua bán, vay mượn hay cho ai bất cứ một vật gì trong nhà và nội bất xuất, ngoại bất nhập. Theo quan niệm của người Lự thì tấm phên hình mắt cáo là để trừ các loại ma tà vì cho rằng tấm phên có nhiều mắt hơn chúng. Còn kiêng nhà với mong muốn an lành, sung túc, no đủ và may mắn sẽ đến với gia đình.
Ông Tao Văn Pầu, năm nay ngoài 70 tuổi, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường cho biết thêm: “Trong tất cả các lễ cúng của người Lự đều cắm “ta leo”, trong đó có lễ mừng cơm mới. Cắm “ta leo” với mong muốn trừ tà, ngăn cản những điều dữ đến với gia đình, để ông bà, cha mẹ mạnh khỏe sống lâu trăm tuổi, trẻ nhỏ hay ăn chóng lớn và may mắn đến với mọi người…”.
Ngày nay đời sống vật chất, tinh thần có nhiều đổi thay, song người Lự ở Lai Châu vẫn gìn giữ, lưu truyền Lễ mừng cơm mới. Tập tục này mang tính cộng đồng cao vì các gia đình trong bản đều tổ chức và có sự tham gia của dân bản. Đây cũng là dịp để bà con gặp gỡ, mừng thành quả lao động và tăng cường tình đoàn kết xây dựng bản mường./.
ST