Cập nhật: 07/11/2016 09:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, khiến cho nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị mai một. Thế nhưng, trước sự phát triển mạnh mẽ ấy, vẫn còn những con người bằng sự đam mê, tâm huyết với nghề đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa truyền thống quê hương.

Nghề mây tre đan, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch đã có hàng trăm năm nay. Những năm trước đây, nghề mây tre đan không chỉ tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn cho người dân mà còn là công việc  chính mang lại thu nhập cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các sản phẩm của Triệu Đề cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Các sản phẩm rổ, rá làm bằng nhôm, nhựa được bày bán tràn lan nên các sản phẩm từ mây, tre của người dân nơi đây rất khó tồn tại.

Hiện nay, nghề mây tre đan xã Triệu Đề gặp không ít khó khăn khi mà yêu cầu kỹ thuật của thị trường ngày càng cao, trong khi đó các thợ đan lát ở đây chỉ mới đáp ứng được kỹ thuật của những mặt hàng đơn giản. Hơn nữa, ngày công  làm nghề còn thấp, chỉ có 40 - 50 nghìn đồng/người/ngày nên chưa thu hút được lực lượng lao động trẻ theo đuổi nghề. Đa số những người còn duy trì được nghề đan lát truyền thống chủ yếu là người già và phụ nữ trong là   

Để những người đan lát thêm gắn bó với nghề, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm đơn đặt hàng mới, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, tạo thương hiệu cho nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan Triệu Đề.

Để các làng nghề truyền thống phát triển ổn định và bền vững, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, qua đó vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ./.

         

          ST

Tệp đính kèm