Cập nhật: 09/11/2016 09:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiêu chảy gặp ở mọi lứa tuổi nhưng khi trẻ em mắc tiêu chảy thì cần hết sức lưu ý vì có thể biến chứng xảy ra bất cứ lúc nào và có thể gây tử vong.

Cần cho trẻ rửa tay trước khi ăn để phòng tiêu chảy.

Theo thống kê thì tiêu chảy là một trong những bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em Việt Nam hiện nay.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em các nước đang phát triển. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì trung bình mỗi năm có thể bị mắc 1-3 đợt bệnh tiêu chảy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm ước tính có tới 1,3 tỷ lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và 4 triệu trẻ chết vì bệnh này. Khi một trẻ đi đại tiện nhiều lần (trên 3 lần/ngày trong vòng 24 giờ), phân loãng và nhiều nước thì được gọi là trẻ bị tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài. Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm virut, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

Theo thống kê của WHO thì có sự khác biệt theo mùa ở nhiều vùng khác nhau. Ở những vùng ôn đới, tiêu chảy do vi khuẩn thường xảy ra vào mùa nóng; ngược lại, tiêu chảy do virut, đặc biệt là Rotavirus lại xảy ra cao điểm vào mùa đông. Ở những vùng nhiệt đới, tiêu chảy do Rotavirus xảy ra quanh năm nhưng tăng vào các tháng khô và lạnh; ngược lại, tiêu chảy do vi khuẩn lại cao điểm vào mùa mưa và nóng. Ngoài Rotavirus thì một số vi khuẩn như E.coli, Campylobacter hoặc hiếm gặp hơn như Shigella, Salmonella, V. cholerae và một số ký sinh trùng như các loại giun hoặc amip cũng gây nên tiêu chảy cho trẻ.

Để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy, ngày nay, các phòng thí nghiệm vi sinh y học đã có đủ cơ sở, trang thiết bị và sinh vật vật phẩm để tiến hành xác định khi có trường hợp tiêu chảy xảy ra, nhất là khi có nguy cơ thành dịch bệnh.  Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, không dung nạp thức ăn (thức ăn không thích hợp với đường tiêu hóa của trẻ), chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi hoặc gặp ở một số trẻ do sử dụng kháng sinh kéo dài để điều trị một bệnh nhiễm khuẩn nào đó hoặc do người lớn dùng sai chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho trẻ…Những tập quán làm tăng nguy cơ tiêu chảy như: không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 - 6 tháng đầu hoặc có tập quán cai sữa trước 1 tuổi hoặc có thể gặp ở trẻ bú bình (do bình không vô khuẩn), dùng nước uống đã bị nhiễm các vi khuẩn đường ruột. Không rửa tay sau khi đi ngoài, sau khi dọn phân hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn, hoặc không xử lý phân một cách hợp vệ sinh (đặc biệt là phân trẻ nhỏ) cũng là những yếu tố thuận lợi gây tiêu chảy ở trẻ. Cũng có thể gặp tiêu chảy ở trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh AIDS do bị suy giảm miễn dịch không có khả năng chống đỡ với tác nhân gây bệnh.

Tiêu chảy có nguy hiểm?

Thông thường, người ta dựa vào tính chất của tiêu chảy để phân loại thành tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính (tiêu chảy kéo dài). Tiêu chảy cấp tính xuất hiện phân lỏng cấp tính gây mất nước, chất điện giải một cách dồn dập cho nên trẻ dễ bị trụy tim mạch, nhiễm độc độc tố và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời hoặc cấp cứu muộn.

Nếu tiêu chảy có kèm theo ra máu, máu hòa lẫn với phân tạo nên phân có màu như máu cá thường do vi khuẩn lỵ (Shigella) và được gọi là hội chứng lỵ. Với thể này, trẻ cũng rất dễ bị mất nước và chất điện giải cấp tính, kèm theo nhiễm độc độc tố của vi khuẩn lỵ, bệnh nhi có thể trở nên nguy kịch nếu không cấp cứu kịp thời thì tính mạng của trẻ cũng có thể bị đe dọa. Khi bệnh tiêu chảy khởi đầu cấp tính nhưng kéo dài bất thường (ít nhất là 14 ngày). Bắt đầu mỗi đợt có thể là tiêu chảy phân lỏng cấp hoặc là hội chứng lỵ. Bệnh nhân thường bị sút cân rõ rệt. Lượng phân đào thải nhiều gây nguy cơ mất nước, rối loạn chất điện giải. Khi bị mất nước, điện giải ít thì trẻ quấy khóc, vật vã hoặc lờ đờ, khát nước, nước tiểu giảm khối lượng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, miệng khô, thở nhanh, sâu hơn bình thường, mạch nhanh nhỏ, thóp lõm, huyết áp tụt.

Khi tiêu chảy kéo dài sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng và các hoạt động của các cơ quan khác cũng sẽ bị rối loạn một cách nghiêm trọng, đặc biệt là gây nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn và có thể dẫn đến tử vong.

Phòng tiêu chảy cho trẻ như thế nào?

Khi trẻ xuất hiện tiêu chảy, nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt, trong khi chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh được thì nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nếu trẻ còn bú, cần cho bú nhiều và lâu hơn. Cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước oresol (ORS) sau mỗi lần đi tiêu chảy. Nếu chưa có sẵn gói ORS, có thể dùng 1 thìa cà phê muối (3,5g), 8 thìa cà phê đường (40g) pha vào 1 lít nước cho trẻ uống ít một trong ngày. Ở những trẻ có nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ, cho uống ORS và ăn lỏng nhiều lần trong ngày. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.

Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Khi cho trẻ ăn, cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Cần rửa tay cho trẻ trước và sau khi ăn. Với trẻ lớn hơn, cần tập thói quen cho trẻ ngoài việc rửa tay trước và sau khi ăn, cần cho trẻ biết rửa tay sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng. Nguồn nước cho trẻ rửa tay phải là nước không bị nhiễm bẩn. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm