Cập nhật: 11/11/2016 08:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hải Lựu là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích tự nhiên là 1023,38ha. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hải Lựu có tên gọi là Bạch Lưu Hạ với cư dân sinh sống tập trung từ lâu đời trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Là vùng đất cổ, Hải Lựu còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời trong đó phải đặc biệt kể đến lễ hội Chọi trâu với quy mô lớn nhất có từ xa xưa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.


Nguồn gốc của lễ hội chọi trâu

 Trong các Lễ hội Dân gian của Việt Nam, lễ hội nào cũng có bản sắc riêng của nó. Trong đó, hội Chọi trâu Bạch Lưu Hạ được xem là một cổ tục độc đáo, đặc sắc và hầu như không có tính tiếp biến phổ quát, chỉ riêng ở một làng xã được duy trì trong thời gian dài theo dòng lịch sử của dân tộc. Nơi đây còn bảo lưu khá nguyên vẹn nhiều nghi lễ, tập tục dân gian xưa có tính điển hình, nguyên gốc, là nét đặc trưng của lễ hội Chọi trâu Bạch Lưu Hạ - Hải Lựu ngày nay.

Theo những ghi chép trong thư tịch cổ và các bản Ngọc phả đời Lê Trung Hưng, mục “phong tục” sách “Đại Nam nhất thống chí” thì Lễ hội Chọi Trâu xã Hải Lựu có từ thế kỷ II trước Công nguyên (cách nay khoảng 2.200 năm) đầu thời Bắc thuộc. Cổ tục này gắn với sự kiện nhà Triệu (Triệu Đà nước Nam Việt) tan rã sau cuộc chiến tranh với nhà Tây Hán, kết thúc kỷ nguyên nhà Triệu (năm 111 TCN). Khi đó, tướng Lộ Bác Đức đem quân xâm lược nước Nam Việt của Triệu Ai Vương. Thừa tướng Lữ Gia quê gốc xứ Nghệ An là một tướng tài của triều đình đã rút khỏi kinh đô Phiên Ngung (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) về đóng quân ở núi Long Động, huyện Lập Thạch chống lại quân Hán của Lộ Bác Đức hơn 10 năm. Suốt thời gian đó, ông đã cùng các thổ hào và nhân dân đánh cho quân nhà Hán thất điên bát đảo, trong đó lớn nhất là trận đánh trên sông Lô năm 111 TCN. Sau khi ông mất, được dân làng tôn làm Thành hoàng làng thờ ở đình Bạch Lưu Hạ, và có đến 20 đền, đình thờ ông ở các xã quanh vùng.

Để động viên tinh thần binh sĩ và dân chúng mỗi khi thắng trận, thừa tướng Lữ Gia cho mổ trâu khao thưởng, ăn mừng chiến thắng và đặt ra trò Đấu ngưu để mua vui cho dân làng, quân sĩ. Từ đó, lễ hội Đấu ngưu (Chọi trâu) được lưu truyền qua nhiều đời, dần dần trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương.

  Về nguồn gốc lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, truyền thuyết dân gian còn kể lại: Vào một buổi sớm mờ sương, ở đầu làng người ta nhìn thấy 2 con trâu trắng trọi nhau, không phân thắng bại, sau đó cả 2 con đều nhảy xuống sông rồi biến mất. Nơi đó sau gọi là Bến Ảnh, tên làng gọi là “Bạch Ngưu” ( nghĩa là trâu trắng), vì kiêng húy của thần nên gọi chệch là Bạch Lưu. Có lẽ truyền thuyết ấy cũng là một yếu tố minh chứng cho làng Bạch Lưu Hạ là nơi có lịch sử của lễ hội Chọi trâu cổ xưa nhất của người Việt Nam.

Phương thức tổ chức lễ hội Chọi trâu

Lễ hội Chọi trâu Bạch Lưu Hạ trước đây được tổ chức thành 2 đợt vào ngày 28 tháng chạp năm trước với số trâu là 10 con và ngày 17 tháng giêng năm sau là ngày hội chính với số trâu là 6 con. Phần “lễ” và phần “hội” thường được tiến hành đan xen và trải dài từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng giêng năm sau. Đây là lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc ở vùng sơn cước, trải dài theo năm tháng lịch sử. Do hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp kéo dài, nhân dân tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, do vậy đến năm 1947, Lễ hội phải tạm ngừng. Trải qua hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn (1947 - 2002), đến năm 2002, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu chính thức được khôi phục lại, đến nay Lễ hội đã trải qua 10 năm tổ chức và phục hồi.

Phần “Lễ”

Phần “Lễ” trong Hội Chọi trâu thể hiện tâm linh của con người đối với thần thánh và được tiến hành ở Vọng đài tưởng niệm tâm linh, nơi thờ Thành hoàng làng, gồm có Lễ trình trâu, Lễ rước và dâng hương.

Lễ trình trâu được bắt đầu từ tháng 9 năm âm lịch năm trước, khi các chủ trâu mua trâu về và có lễ tấu trình để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội. Từ đây trở đi, trâu được gọi là “Ông cầu” nghĩa là cầu trận, cầu an, cầu mưa hay gọi là “Trâu Cà Thờ”. Đến mùa xuân năm sau, trước ngày khai mạc lễ hội lại tổ chức lễ trình trâu lần cuối, có thể cho trâu uống ít rượu sau khi làm lễ xong gọi là “nhận lộc thánh”.

Lễ rước và dâng hương được tiến hành vào sáng ngày 16 tháng giêng, trước khi khai mạc hội. Đội hình rước gồm có đội múa lân, đội rước cờ hồng kỳ, rước Kiệu lễ vật và không thể thiếu “Ông cầu” đại diện cho các “Ông cầu” ở các thôn, cổ đeo vòng hoa, mình choàng vải đỏ hướng về phía đài tưởng niệm tâm linh làm lễ dâng hương. Sau đó “Ông cầu” được chủ trâu điều khiển về sân chọi trâu cúi chào khán giả và kết thúc toàn bộ phần lễ nghi.

Phần “Hội”

Xã Hải Lựu ngày nay chia thành 19 thôn dân cư, việc phân bổ trâu giao cho mỗi thôn nuôi 1 con, các tổ chức: Hội nông dân, Cựu chiến binh, HTX dịch vụ điện, các doanh nghiệp đăng ký tham gia. Từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, các hộ đi tìm mua trâu ở khắp các tỉnh phía Bắc, tháng 9 mua đủ số lượng trâu đăng ký và bắt đầu giai đoạn nuôi vỗ trâu. Trâu chọi không kể tuổi nhưng phải là trâu cà, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng khép, chân to, đuôi chấm khoeo. Trâu phải được nuôi bằng các loại cỏ ngon, ăn bột ngũ cốc và uống nước sạch.

  Trước khi đưa trâu đến Bãi chọi thi đấu, người nuôi trâu tắm rửa cho trâu sạch sẽ và mặc trang phục Lễ hội dắt trâu vào nơi tập kết. Sau khi làm thủ tục tế lễ tâm linh, đến lễ khai mạc thì lần lượt các cặp trâu đấu chọi với nhau và bắt đầu trận chiến. Cùng lúc đó chiêng, trống nổi lên thôi thúc, cộng với tiếng reo hò, vỗ tay của khán giả trong sân làm vang dậy cả một vùng. Nét đẹp văn hóa của Lễ hội Chọi trâu thể hiện ở lối đối mặt, dùng sừng và sức khỏe để chọn thế võ tấn công đối phương, không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

 Theo thể lệ, ngày 16 tháng Giêng khai mạc Lễ hội và tổ chức thi đấu vòng loại. Sáng ngày 17 tổ chức thi đấu bán kết, chung kết để phân loại nhất, nhì, ba, trao phần thưởng và bế mạc Lễ hội.

Có lẽ, Lễ hội Chọi trâu ở xã Hải Lựu là một trong những Lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa nhất còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toán tính thái quá của con người. Lễ hội đã trở thành truyền thống ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây mỗi dịp tết đến xuân về, thu hút từ 7 đến 8 vạn du khách về chẩy hội và thưởng thức Lễ hội. Trâu được cả tập thể những người nuôi dưỡng yêu quý, vuốt ve, trân trọng như thành viên, và sau khi kết thúc trận đấu, dù là trâu thắng hay thua đều là những “ông trâu” khỏe mạnh và được cộng đồng mổ thịt, liên hoan, ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu quí và mong một năm mới có sức khỏe “như trâu”.

 

ST

Tệp đính kèm