Cập nhật: 11/11/2016 08:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước đây làng đá Hải Lựu (Lập Thạch) chuyên sản xuất hàng gia dụng, giá trị sản xuất thấp, thu nhập của người dân khoảng 400.000đồng/người/tháng. Sau gần 5 năm (2001 - 2005) thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ “Khôi phục và phát triển làng nghề TTCN”, bằng những chương trình cụ thể như: quy hoạch cụm CN- làng nghề – TTCN, đào tạo lao động, giúp đỡ các làng nghề tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thông tin tuyên truyền… làng đá Hải Lựu từng bước được khôi phục và phát triển. 

Đến nay, toàn xã có gần 1.000 lao động ở 9/19 thôn tham gia làng nghề, có 4 công ty được thành lập và hoạt động SXKD đá tại xã và một chi nhánh đại diện ở thị xã Vĩnh Yên đã sử dụng hết số lao động tại địa phương, đồng thời còn tạo việc làm cho một số lao động vùng lân cận. Từ chỗ sản xuất hàng gia dụng đơn giải tiêu thụ trong tỉnh là chính đến nay đã có 4/9 thôn làm nghề sản xuất các sản phẩm đá chất lượng cao phục vụ cho việc tôn tạo đình chùa và các sản phẩm đá mỹ nghệ, sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, bước đầu đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Đài Loan, Pháp, Mỹ…

4 doanh nghiệp sản xuất đá ra đời không những giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở địa phương mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH ngay trên địa bàn. Khi làng nghề chưa được khôi phục thì giá trị sản xuất của nghề đá chỉ chiếm 20% tổng thu nhập toàn xã. Hiện nay, giá trị sản xuất của nghề đá đã chiếm hơn 50% tổng thu nhập của xã. Thu nhập bình quân của lao động kỹ thuật qua đào tạo là 1,8 - 2,1 triệu đồng/người/tháng, số còn lại là lao động phổ thông từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với sự khôi phục và phát triển của làng nghề, những năm qua các cơ sở sản xuất và khai thác đá ở Hải Lựu đã thuê thêm lao động, đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị để thay thế lao động thủ công ở những khâu nặng nhọc. Việc tập trung lao động và trang thiết bị ở những cơ sở sản xuất đã hình thành sự phân công lao động bước đầu trong các làng nghề. Các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu qua chế biến cho các hộ sản xuất hoặc gia công ở những khâu nặng nhọc, tạo điều kiện tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Các loại hình doanh nghiệp này đã, đang và sẽ là động lực để thúc đẩy làng nghề đá phát triển, thu hút nhiều lao động có việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên trong làng nghề.

 

ST

Tệp đính kèm