Cập nhật: 11/11/2016 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 10/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

 

Lắp ráp ôtô tại nhà máy ôtô Toyota Phúc Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sau báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ưu tiên lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với những đánh giá trong báo cáo của Bộ Công Thương về ngành công nghiệp ôtô. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng cũng đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế như tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển công nghiệp ôtô thời gian qua.

Nhiều mục tiêu của các chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô trước đây không đạt. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thực tế này như mục tiêu đề ra quá cao, không phù hợp với thị trường; chưa tạo được sự hợp tác, liên kết, chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô; các cơ chế, chính sách đối với ngành ôtô còn thiếu, chưa đồng bộ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc thực hiện các cam kết hội nhập sẽ đặt ngành ôtô Việt Nam trước những thách thức lớn. Tuy nhiên, cơ hội cũng là rất lớn khi thị trường trong nước ngày càng phát triển, chưa tính đến thị trường khu vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, tạo động lực phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu.

Muốn đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng khẳng định phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, đồng thuận giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hay các doanh nghiệp phụ trợ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn, thể hiện qua việc tăng cường kết nối, phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế. Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc, lựa chọn sản phẩm chủ lực, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để bổ sung các chính sách còn thiếu, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp và quan trọng hơn, tạo sự đồng bộ, thống nhất. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường và triển khai các chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ôtô./.

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/phat-trien-cong-nghiep-oto-tro-thanh-nganh-kinh-te-chu-luc/415408.vnp

Tệp đính kèm