Cập nhật: 11/11/2016 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tái cơ cấu thực chất sẽ nâng cao đời sống của người dân, tăng tính cạnh tranh, tăng điểm tín nhiệm của Việt Nam trên trường thế giới.

 

Trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không

phải là huy động nguồn lực mà là phân bố lại nguồn lực. (Ảnh minh họa: KT)

Theo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dự kiến cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 480 tỷ USD). Đây là một số tiền rất lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề không phải là nguồn vốn này lấy từ đâu mà là sử dụng nguồn vốn thế nào để có thể thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế thực sự có hiệu quả.

Trong kế hoạch 2016 - 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32- 33% GDP, nếu tính thêm các yếu tố lạm phát, tăng trưởng, tổng GDP dự kiến là khoảng 30 triệu tỷ đồng. Như vậy có nghĩa là khoảng 10 triệu tỷ đồng được đưa vào trong nền kinh tế.

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, đây là con số dự tính sẽ huy động trong cả nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 để đầu tư, không phải nguồn lực để tái cơ cấu. Hơn 10 triệu tỷ đồng này dự kiến sẽ huy động từ 3 nguồn: Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và vốn tư nhân.

Hiện ngân sách nhà nước căng thẳng do chi thường xuyên và trả nợ công quá lớn. Do đó, phải rút chi thường xuyên xuống dưới 50% và dành ít nhất 20% Ngân sách Nhà nước cho đầu tư công. Tiếp tục kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách thực chất, có thể tạo ra nguồn thu từ 15 - 20 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020.

“10 triệu tỷ này chỉ là ước tính để thấy là 20% là đầu tư công, còn 80% phải là các thành phần kinh tế khác phải được cùng tham gia, huy động. Do đó, phải có cơ chế huy động cho tốt. Không phải vấn đề đặt ra là có 10 triệu tỷ sẵn trong tay hoặc đòi hỏi khi nào có 10 triệu tỷ thì mới tái cơ cấu”, GS.TS. Nguyễn Quang Thái nói.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải là huy động nguồn lực mà là phân bố lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực hợp lý hơn, thì mới nâng cao được năng suất lao động.

Thời gian qua, chúng ta chủ yếu tiếp cận theo bề rộng dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ. Cách thức tăng trưởng này tạo rủi ro bất ổn kinh tế và bỏ qua các cải cách thị trường. Do đó, yêu cầu cấp thiết là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Phân bố nguồn lực này không phải theo hành chính xin - cho mà thay đổi cách thức phân bố nguồn lực, phân bố bởi thị trường và phân bố theo cơ chế thị trường. Như vậy, tái cơ cấu kinh tế nằm ở cải cách kinh tế và đặc biệt là cải cách để thiết lập một thể chế kinh tế thị trường, vận hành tốt hơn. Đặc biệt là thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường khoa học công nghệ. Chứ không phải bỏ thêm nhiều vốn để thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.

Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm, với 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên, phù hợp cam kết, yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, không phải nội dung trọng tâm nào cũng có nhiệm vụ ưu tiên đi kèm. Như về phát triển mạnh kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì nhiệm vụ ưu tiên mới chỉ hướng tới việc cải thiện điều kiện chung là môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân...trong khi vị trí, vai trò của khu vực này vẫn chưa thực sự được xác định rõ ràng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, so với thế giới, điểm tín nhiệm của Việt Nam rất thấp, rơi vào nhóm các nước không khuyến khích đầu tư và mang tính chất đầu cơ. Do đó, điều quan trọng nhất của tái cơ cấu kinh tế là phải đi vào thực chất, lấy nâng cao đời sống của người dân làm trọng tâm.

“Trong tái cơ cấu nền kinh tế, phải nâng cao tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường thế giới để nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, đánh giá cao hơn về nền kinh tế Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài khi họ dựa trên điểm tín nhiệm này đầu tư sẽ mạnh tay hơn trong đầu tư vào Việt Nam. Trong tái cơ cấu nền kinh tế, ngoài số tiền đưa ra, điều quan trọng là phải tái cơ cấu thực chất, nâng cao đời sống của người dân, tăng tính cạnh tranh, tăng điểm tín nhiệm của Việt Nam trên trường thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số hơn 10 triệu tỷ đồng huy động đầu tư giai đoạn 2016-2020, dự kiến Nhà nước sẽ đảm nhận 1/3, còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn lực xã hội khác, như nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết cần phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, các Bộ phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công khai, minh bạch, vượt qua lợi ích nhóm thì mới có thể tái cơ cấu kinh tế thành công./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm