Hát Soọng cô là nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trải qua thời gian, do có sự giao thoa giữa các nền văn hóa, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này có lúc bị mai một, tưởng như chỉ còn nằm trong kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian. Nhưng rồi, với quyết tâm không để những câu hát mang tâm hồn của dân tộc mình bị thất truyền, những người con dân tộc Sán Dìu đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn để những lời hát soọng cô vang mãi. Góp công vào đó có ông Trần Văn Tư, nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, chủ nhiệm Câu lạc bộ soọng cô xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.
Chúng tôi về thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn gặp nghệ nhân Trần Văn Tư vào một ngày đầu tháng 3, khi ông cùng các hội viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Hồ Sơn đang ráo riết luyện tập chuẩn bị tham gia Liên hoan tiếng hát Soọng cô huyện Tam Đảo lần thứ nhất. Cẩn thận hướng dẫn, chỉnh sửa từng động tác múa, từng lời hát của các thành viên trong đội sao cho thật ăn khớp với nhau, ông Tư bảo: "Lần đầu tiên được tham gia Liên hoan tiếng hát Soọng cô, lại đúng dịp huyện nhà vinh dự đón Bằng di tích Quốc gia đặc biệt khu di tích, danh lam thắng cảnh Tây Thiên và khai hội Tây Thiên 2016 nên chúng tôi ai cũng phấn khởi, động viên nhau tập luyện để có thể mang những tiết mục đặc sắc nhất cống hiến cho người xem".
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có bố mẹ đều đam mê hát soọng cô, từ thuở nằm nôi, nghệ nhân Trần Văn Tư đã được mẹ cha ru bằng câu hát soọng cô. Lúc lẫm chẫm tập đi, khi bi bô học nói, ông được người thân dạy cho hát đồng dao. Năm 14 tuổi, ông đã theo các đàn anh của làng đến các xóm, bản có đồng bào dân tộc Sán Dìu hát giao duyên. Lâu dần, với ông, những làn điệu, ca từ soọng cô cũng giống như máu, thịt, như một phần của cơ thể không thể tách rời ngay cả trong những năm tháng cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhất.
Đôi mắt lấp lánh niềm vui khi nghe hỏi về quá trình thành lập Câu lạc bộ hát soọng cô xã Hồ Sơn, ông Tư bảo: "Trước đây, đã là con trai Sán Dìu mà không biết hát soọng cô thì không đi tìm hiểu các cô gái, không lấy được vợ đâu. Nhưng trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân, điệu hát soọng cô dần bị mai một, số lượng người thực sự biết hát không còn nhiều, một số bài hát do được truyền khẩu cũng không còn lưu giữ được… Lo lắng nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền, tôi cùng các cụ cao niên đứng ra vận động những người biết hát trong làng thường xuyên tổ chức hát giao lưu với các địa phương khác và nuôi quyết tâm sẽ thành lập Câu lạc bộ hát soọng cô ngay tại địa phương. Và rồi, khi những làn điệu soọng cô lan tỏa khắp các thôn, làng ở Hồ Sơn, Câu lạc bộ hát soọng cô của xã cũng chính thức ra đời vào đầu năm 2011. Điều đáng mừng là có những người tuy không biết mặt chữ, không biết nghĩa của từng câu hát nhưng với niềm đam mê hát tiếng dân ca của dân tộc mình vẫn hăng hái đăng ký tham gia, say sưa tập hát, cháy hết mình trong những lời ca, tiếng hát soọng cô. Đến nay, sau 5 năm thành lập, câu lạc bộ đã phát triển lên 42 hội viên, trong đó, có cả những thành viên trẻ từ 8 đến 15 tuổi".
Hướng đôi mắt về phía cô bé Trần Thị Thanh Huyền, 10 tuổi, một trong những thành viên nhí của Câu lạc bộ và cũng là đứa cháu nội được ông đặt nhiều hy vọng sẽ là lớp kế cận mang những lời ca soọng cô vươn xa trong tương lai, nghệ nhân Trần Văn Tư tâm sự: "Theo quy luật của thời gian, nhiều nghệ nhân, người biết hát soọng cô sẽ lần lượt về với ông bà, tổ tiên, nếu không nhanh chóng truyền dạy cho thế hệ trẻ thì không bao lâu nữa những làn điệu soọng cô sẽ bị mai một. Bởi thế, khi còn sức khỏe, còn có thể hát thì phải cố gắng hết sức để truyền dạy những gì tinh túy nhất của làn điệu dân ca cho các cháu. Thế nhưng, việc "chiêu nạp" khá vất vả bởi mang tiếng là người dân tộc nhưng nhiều cháu còn không biết nói tiếng Sán Dìu, để hát được tròn vành rõ tiếng, rồi chỉnh sửa từng lỗi nhỏ trong câu hát, nhịp phách không hề đơn giản. Nhưng "mưa dần thấm lâu", chúng tôi vừa kiên trì uốn nắn, vừa động viên để bọn trẻ hiểu được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Giờ các cháu đã biết hát đúng giọng và biết được ý nghĩa từng lời hát, câu hát nên rất nhiệt tình tham gia".
Đắm đuối, say mê và hết mình cống hiến cho nghệ thuật hát soọng cô, cuối năm 2015, ông Trần Văn Tư vinh dự là người đầu tiên của xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian - phần thưởng cao quý mà bất cứ người nghệ sỹ nào cũng mong muốn nhận được. Chia tay chúng tôi khi bóng chiều đã ngả sau dãy núi Tam Đảo, ông bảo: "Mừng lắm khi cống hiến của mình cho nghệ thuật đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. GIờ chỉ mong có sức khỏe để tôi và các thành viên trong câu lạc bộ tiếp tục truyền dạy, giúp thế hệ trẻ tìm hiểu những cái hay, cái đẹp và để xứng đáng là lớp kế cận bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống đặc sắc của dân tộc mình".
ST