Cập nhật: 13/11/2016 10:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

SKĐS - Cạo gió là phương pháp chữa bệnh cảm lạnh trong dân gian đã có từ lâu đời. Khi có bệnh người ta thấy thân thể mệt mỏi rã rời nếu được cạo gió sẽ thấy tinh thần sảng khoái và dễ chịu khác thường

Cạo gió là phương pháp chữa bệnh cảm lạnh trong dân gian đã có từ lâu đời. Khi có bệnh người ta thấy thân thể mệt mỏi rã rời nếu được cạo gió sẽ thấy tinh thần sảng khoái và dễ chịu khác thường. Đặc biệt là những nơi xa các trung tâm y tế, thiếu phương tiện chữa trị thì cạo gió trị bệnh là biện pháp vô cùng hữu hiệu. Bài viết này xin giới thiệu những kiến thức cơ bản về cạo gió để bạn đọc biết và áp dụng khi cần thiết.

Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như: Ở lưng cạo hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên; ở tay cạo dọc cánh tay mặt theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay. Thông qua cạo gió có thể giải hàn, giảm nhiệt, thuyên giảm bệnh. Nếu người bệnh có ho và ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực.

Cạo gió đúng cách giúp trị bệnh hiệu quả.

Cách cạo: Cạo theo hướng một chiều từ trên xuống dưới. Ở cánh tay và ngực dùng lực nhẹ, ở lưng có thể hơi mạnh nhưng cũng nên căn cứ vào tình hình cụ thể, đặc biệt là sức chịu đựng của người bệnh mà quyết định dùng lực mạnh yếu. Khi cạo thường bôi lên da dầu gió, hay các loại dầu vẫn thường bôi để trị cảm gió. Sau khi cạo gió nên uống nhiều nước nóng, có thể đắp chăn để ra mồ hôi.

Dụng cụ dùng để cạo: Vật gì có cạnh hình cung tròn và nhẵn nhụi như: nhẫn bạc, đồng tiền bằng bạc, lược, thìa canh, miệng chén… Hiện nay sử dụng rộng rãi là cái cạo gió làm bằng sừng trâu vì bản thân sừng trâu là một vị thuốc Đông y có khả năng phát tán chướng khí và thông khí huyết.

Trình tự và phương pháp cạo: Khi cạo gió người bệnh để lộ da chỗ cần cạo. Người cạo bôi dầu lên mặt da người bệnh, tay cầm vật cạo để góc 90 hoặc 45 độ rồi tiến hành cạo. Cổ, lưng, bụng, chân và tay cạo từ trên xuống dưới; ngực cạo từ trong ra ngoài, chú ý dùng lực đều và miết dài. Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 đến 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết. Cạo xong chỗ này mới cạo sang chỗ khác, lần cạo sau cách lần cạo trước từ 3 đến 6 ngày để vết cạo lần trước kịp tan đi.

Lưu ý:

Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh.  Sau khi nổi vết cạo trong khoảng 30 phút tuyệt đối không được tắm rửa bằng nước lạnh. Cạo gió xong người bệnh nên uống một cốc nước nóng (có pha thêm chút muối thì càng tốt). Phải khử trùng vật cạo trước và sau khi cạo. Không cạo chỗ có vết lở loét, phần bụng người có thai, những người da có độ mẫn cảm quá cao, người có bệnh khó đông máu, có các bệnh về da.

 

Theo BS. Trần Văn Cường

suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm