Cập nhật: 14/11/2016 08:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đối với cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy những tháng ngày miệt mài bên từng trang giáo án với sự nghiệp trồng người ở xã đảo xa xôi luôn là kỷ niệm đẹp.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy

Gần 30 năm trôi qua, biết bao thăng trầm trong nghề nghiệp, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, trường Tiểu học Lại Sơn, ấp Thiên Tuế, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vẫn luôn nhiệt huyết, yêu nghề "đưa đò" giúp nhiều thế hệ học trò trưởng thành.

Sinh ra và lớn lên tại một gia đình nghèo hiếu học tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, năm 1987 sau khi tốt nghiệp THPT, cô Bích Thủy xuống Kiên Giang học khóa sư phạm cấp tốc, rồi ra trường công tác tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho đến nay.

Bản thân là nữ, cha mẹ không muốn con gái công tác xa nhà nhưng với lòng yêu nghề, cô giáo trẻ đã cố gắng thuyết phục cha mẹ và quyết tâm đến công tác tại một xã đảo hẻo lánh, nghèo khó của tỉnh Kiên Giang.

Mới ra trường, cô Bích Thủy được phân công giảng dạy ở trường phổ thông cơ sở Lại Sơn, huyện đảo Hòn Sơn trong vòng 4 năm. Sau đó, năm 1991, cô chuyển sang giảng dạy ở cấp Tiểu học.

Hồi đó, ở các xã đảo của tỉnh Kiên Giang thiếu giáo viên trầm trọng nên hàng ngày cô Thủy và các đồng nghiệp khác được phân công dạy tăng cường 3 ca/ngày, không có thời gian nghỉ trưa nên giáo viên chỉ tranh thủ ăn cơm trong lúc học sinh ra chơi. 

Đến tối, cô giáo trẻ lại đi dạy xóa mù chữ cho các em và ngư dân chưa biết chữ trên địa bàn xã đảo Lại Sơn.

Cứ 3 ngày trong tuần, cố giáo Thủy tình nguyện giảng dạy ở các lớp tình thương cho các em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Ngoài công tác giảng dạy, cô còn được lãnh đạo trường phân công làm công tác Đoàn Thanh niên và công tác Tổng phụ trách Đội nên cứ hai tuần, cô đi sinh hoạt ở điểm lẻ một lần.

Giảng dạy ở các xã đảo thời đó rất khó khăn, xung quanh trường toàn là núi, đảo, cách xa đất liền 60km, không có phương tiện đi lại nên thường xuyên cô Thủy phải đến trường bằng ghe lưới. Mỗi lần đi công tác ở điểm lẻ, cô thường trèo qua núi trong thời gian 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi và phải ở lại qua đêm cho đến ngày hôm sau mới về được.

Ngày đó, hầu hết người dân ở đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản, con em họ thường xuyên theo bố mẹ đi biển nên việc huy động trẻ đến trường và việc duy trì sĩ số học sinh trên lớp gặp rất nhiều khó khăn.

Yêu nghề, mến trẻ và bằng cái tâm của người thầy, cô Bích Thủy đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thường xuyên đến từng gia đình để vận động cho các cháu đi học. Đối với những học sinh có điều kiện gia đình quá khó khăn, nhiều em thiếu quần áo mặc, cô thường xuyên vận động các tổ chức và cá nhân có điều kiện về kinh tế hỗ trợ các em được đến trường.

Ban ngày “gieo chữ” cho học sinh ở trường, tối đến, cô giáo Thủy lại tình nguyện dạy học cho các lớp tình thương, xóa mù chữ. Vất vả là vậy nhưng cô vẫn không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để mỗi bài giảng thêm hấp dẫn, dễ hiểu với học trò.

Có lẽ, hình ảnh cô giáo trẻ quên tuổi thanh xuân, miệt mài bên từng trang giáo án, chỉ có ngọn đèn dầu leo lét giữa đêm khuya thanh vắng làm bạn ở một nơi xa xôi trong tiết trời rét thấu sương như thử thách lòng kiên nhẫn của người giáo viên mãi là những năm tháng đẹp đối với cô.

Ngày qua ngày, cô giáo vùng đảo Kiên Giang cứ thầm lặng trong công việc “trồng người”, vun đắp, ươm mầm cho những học trò nhỏ. Niềm vui của cô là được thấy học sinh trưởng thành. Nhiều em được cô giảng dạy đã thành đạt trong sự nghiệp, xác định theo nghề giáo và công tác tại quê hương.

Dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy là một trong số 42 nhà giáo tiêu biểu được ra Hà Nội nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT vì có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục ở vùng đảo xa xôi. Đây là niềm động viên rất lớn và khiến cô càng muốn gắn bó với việc “gieo con chữ” cho học sinh nơi đây hơn./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm