Cập nhật: 17/11/2016 08:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đầy trướng bụng là chứng bệnh rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh có 2 loại thực trướng và hư trướng. Theo y học cổ truyền...

Đầy trướng bụng là chứng bệnh rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh có 2 loại thực trướng và hư trướng. Theo y học cổ truyền, trẻ mắc bệnh bụng đầy hư trướng phần nhiều do tỳ hư đã lâu hoặc do thổ tả tổn thương tỳ khí, kiện vận thất thường khiến ăn uống không tiêu. Trẻ bị đầy bụng thực trướng do ăn uống quá độ, tích trệ không tiêu đọng lại trong dạ dày khiến bụng căng, đầy trướng.

Bụng đầy thực trướng: trẻ có biểu hiện đại tiện khó, người phát sốt, bụng rạo rực, miệng khát nhưng hình thể vẫn khỏe. Nếu không điều trị, thực tích không tiêu, bụng đầy và rắn chắc, sờ vào càng đau thêm, đại tiện khó khăn, người phát sốt nóng, đêm trằn trọc ngủ không yên dẫn đến tỳ hư suy. Sau đây là một số bài thuốc trị:

Bệnh mới mắc người còn khỏe. Dùng bài Gia vị bình vị tán gia giảm (Y tông kim giám): thương truật, hậu phác, đại phúc bì, sinh cam thảo, trần bì, la bặc tử, sơn tra, mạch nha, thần khúc mỗi loại 4g, sinh khương 3 lát. Sắc 2 bát nước còn 1 bát uống 1 lần. Tác dụng: kiện tỳ táo thấp, hành khí đạo trệ.

 

Sinh địa (củ  tươi của cây sinh hoàng).

Nếu bí đại tiện, bụng đầy đau. Dùng bài Tiểu thừa khí thang gia giảm (Thương hàn luận): sinh đại hoàng 6g, hậu phác 4g, chỉ xác 4g. Sắc 2 bát nước lấy 1 bát, bỏ bã, uống nóng 1 lần. Tác dụng: sơ đạo trường vị, trị bụng đầy, đại tiện bón, nóng từng cơn…

Nếu uống bài tiểu thừa khí thang mà bụng vẫn đầy không đại tiện được, nên uống bài Đại thừa khí thang gia giảm (Thương hàn luận) gồm: đại hoàng 8g, hậu phác 8g, mang tiêu 6g, chỉ thực 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Cho hậu phác và chỉ thực nấu sôi 5 - 6 phút, cho đại hoàng vào sắc tiếp rồi đổ ra lọc bỏ bã, cho mang tiêu hoặc huyền minh phấn (là chất tinh chế mang tiêu) vào trộn tan. Sau khi uống 2 - 3 giờ vẫn chưa thấy “tả hạ” thì uống nước thứ hai, nếu không đại tiện được thì ngưng thuốc. Tác dụng: công hạ nhiệt tích ở đại tràng, tả hỏa giải độc tiết nhiệt lợi đờm.

Bụng đầy hư trướng: trẻ có biểu hiện bụng đầy, tinh thần mỏi mệt, mặt vàng da thịt gầy võ. Nếu không điều trị, bụng ngày một đầy, hình thể gầy guộc miệng se, cổ khát, có khi nôn mửa, ăn uống không tiêu dẫn đến bệnh tỳ hư, tỳ cam. Sau đây là một số bài thuốc trị:

Nếu bụng đầy trướng, ăn kém, tinh thần mỏi mệt, dùng bài Hương phác tứ quân tử thang gia giảm (Y tông kim giám): nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, hương phụ, hậu phác mỗi vị 4g. Sắc uống. Trị: tỳ vị hư, bụng đầy, ăn uống kém...

 

Chỉ xác (quả già sấy khô của cây trấp).

Nếu bụng to, nổi gân xanh, người gầy, dùng bài Sâm linh bạch truật tán gia giảm (Cục Phương): nhân sâm, bạch truật, phục linh, cát cánh, kiên liên tử, biển đậu, ý mễ, sơn dược, liên nhục, trần bì mỗi loại 4g, sa nhân 2g, cam thảo 2g, đại táo 3 qủa. Cách dùng: tán nhỏ làm hoàn hoặc sắc uống. Tác dụng: bổ khí kiện tỳ, thẩm thấp hòa vị, lý khí hóa đàm. Trị rối loạn tiêu hóa kéo dài, viêm đại tràng mạn, ăn kém, tiêu chảy hoặc viêm cầu thận mạn thuộc thể tỳ hư mệt mỏi, thể tỳ phế khí hư.

Nếu tỳ vị còn hư, chậm lại sức, dùng bài Tứ quân tử thang gia giảm (Cục Phương): nhân sâm, bạch linh, bạch truật, chích thảo mỗi loại 4g. Sắc với 1,5 bát nước lấy nửa bát cho uống dần. Tác dụng: ích khí, kiện tỳ, dưỡng vị.

Lương y: MINH PHÚC

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm