Trong khi nhu cầu điện luôn tăng cao nhưng việc thu hút đầu tư vẫn bị hạn chế bởi chính sách cũng như tính hiệu quả làm giảm tính hấp dẫn.
Xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải luôn cần nguồn đầu tư rất lớn. (Ảnh minh họa: KT)
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW. Với công suất nguồn hiện có, trong 5 năm tới nước ta cần đưa vào thêm 21.650 MW điện.
Thế nhưng theo ước tính của Viện Năng lượng, tổng số tiền cần đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 sẽ là gần 40 tỷ USD (mỗi năm gần 7,9 tỷ USD) đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải nên cung ứng điện sẽ là bài toán khó.
Tại buổi tọa đàm “Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020” do báo Dân trí tổ chức ngày 15/11, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu bàn về vấn đề nguồn cung điện mà chỉ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng ra cáng đáng sẽ là rất khó. Bởi lẽ, nguy cơ thiếu điện còn do việc sử dụng điện, không phải là do việc cung cấp điện.
“Trên thực tế, nền kinh tế nước ta đang tiêu tốn, sử dụng năng lượng quá nhiều, do đó cần phải thay đổi, tái cơ cấu nền kinh tế tiêu tốn năng lượng. Cần thay đổi cách tiếp cận của nền kinh tế trong tiêu dùng năng lượng. Nếu cứ làm xi măng, làm thép và các loại doanh nghiệp sử dụng năng lượng sẽ trở nên rất tốn kém. Tư duy này cần phải thay đổi và phải là trọng tâm để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế”, TS. Trần Đình Thiên chỉ rõ.
Theo quan điểm của TS. Trần Đình Thiên, do giá năng lượng ảnh hưởng tới mức tiêu dùng năng lượng nên phải tính tới cân bằng năng lượng trên cơ sở giá điện. Nếu không tính tới lợi ích tổng thể, muốn có nhiều điện nhưng lại muốn giá điện rẻ chắc chắn sẽ không thu hút được vốn đầu tư phát triển nguồn điện.
“Muốn có nhà đầu tư tốt cho nguồn điện cần phải có chi phí cao hơn và phải tính tới giá điện tốt. Nếu giá điện không được cải thiện thì không ai đầu tư. Nhưng hiện giá điện đang ở thế lưỡng nan, nếu giá điện tăng cao là cả xã hội phản ứng rất mạnh. Trong khi có thể tăng giá điện cao một chút sẽ buộc người sản xuất, người tiêu dùng phải tiết kiệm, thay đổi công nghệ, hấp dẫn nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào ngành điện”, TS. Trần Đình Thiên nêu rõ.
Còn theo ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mỗi năm Việt Nam cần 5 tỷ USD để truyền tải và phát điện với hi vọng thu hút được 70% nguồn lực đầu từ tư nhân. Nhưng với giá điện hiện nay để thu hút được nguồn đầu tư như vậy sẽ rất khó.
“Trong quá khứ, nguồn đầu tư của Việt Nam đang có 1/3 dựa vào ODA. Với số lượng, mức độ phát triển như hiện nay chúng ta phải nghĩ tới hữu hạn từ vốn tài trợ, do đó, nguồn đầu tư 1/3 từ ODA cũng cần phải xem xét. Do đó, tiêu thụ năng lượng là giải pháp rất quan trọng và ít tốn kém nhất để chúng ta có thể tránh được những đợt tăng giá điện mới”, ông Franz Genner bày tỏ.
Chuyên gia ngân hàng thế giới cũng ước tính, Việt Nam có thể tiết kiệm 10KW phát điện nếu đầu tư công nghệ vào những doanh nghiệp sử dụng điện. Về phía nguồn cung, trước đây, Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai nên phải nhập khẩu than.
“Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém. Như vậy, điều này có liên quan tới biểu giá điện. Biểu giá điện hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư trong tương lai”, ông Franz Genner phân tích.
Ông Franz Genner cũng chỉ rõ, với giá 7,6 cent/KWh điện như hiện nay rất khó thu hút đầu tư vào sản xuất và kinh doanh điện. Ước tính giá điện 7,6 cent/KWh này chỉ đủ để đáp ứng chi phí cho công tác vận hành, bảo trì của EVN.
Tại buổi tọa đàm, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cũng đưa ra quan điểm, yêu cầu về nguồn điện không nên quá tập trung vào EVN. Trong khi một trong số yêu cầu đưa ra trong quy chế hoạt động của tập đoàn này là, chủ sở hữu không nắm quá 25% nguồn điện.
“Đây cũng là nguyên nhân gây giảm đầu tư trực tiếp của EVN. Do vậy, hiện ngoài những dự án chiến lược phải do EVN nắm giữ, một số dự án khác cần phảu được chuyển chủ sở hữu và có kế hoạch cổ phần hoá”, ông Phúc cho biết.
Phát triển nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đất nước và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân luôn là đòi hỏi cấp bách. Để đạt được điều này vẫn cần có giải pháp, cơ chế thu hút hấp dẫn và khả thi để huy động các nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển các nguồn điện mới trong tương lai./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN