Loãng xương (xốp xương) gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nữ giới gặp nhiều hơn nam. càng lớn tuổi, loãng xương càng dễ xảy ra.
Theo số liệu của Tổ chức Chống loãng xương quốc tế, trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị loãng xương, ở nam giới tỉ lệ này là 1/5. Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện Dinh dưỡng có 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Căn bệnh này ảnh hưởng tới 1/3 số phụ nữ và 1/5 đàn ông trên 50 tuổi.
“Kẻ thù” nào gây loãng xương?
Loãng xương tức là tỉ trọng khoáng chất của bộ xương ở một cơ thể bị suy giảm một cách đáng kể, trong đó tuổi càng cao càng dễ bị loãng xương hoặc hoóc-môn sinh dục (oestrogen, androgen), các chất protein động vật (protein động vật không chỉ không đem lại ích lợi cho xương mà còn gây nên những tác động không mong muốn cho xương). Nước uống có chứa caffein cũng góp phần làm cho xương bị loãng. Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng, nếu thu nạp 100mg caffein mỗi ngày, sẽ bị “thất thoát” ra bên ngoài 6mg canxi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trong chế độ ăn uống chứa một lượng lớn muối, sẽ tăng nguy cơ bị “thất thoát” hàm lượng khoáng chất trong xương hoăc không cung cấp đủ chất canxi hoặc vì một lý do nào đó cơ thể không hấp thu được canxi, thiếu vitamin D (ăn kiêng kéo dài, chế độ ăn nghèo nàn, kém chất lượng, ít ra khỏi nhà nên thiếu ánh sáng mặt trời). Loãng xương cũng có thể do mắc một số bệnh về tuyến thượng thận, bệnh cường giáp trạng, suy thận, bệnh yếu liệt chi, chấn thương hoặc bệnh mạn tính phải nằm dài ngày. Đặc biệt, ở phụ nữ đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, lượng hoóc-môn oestrogen trong máu bị suy giảm một cách đáng kể bởi sự suy thoái của buồng trứng. Vì lý do này sẽ làm tăng hoạt tính của tế bào tủy xương làm cho khối lượng xương sẽ mất dần dần theo năm tháng kể từ khi mãn kinh (mỗi năm mất khoảng từ 2 - 4%). Ngoài yếu tố về chế độ dinh dưỡng và nội tiết tố còn có nhiều yếu tố thuận lợi khác (yếu tố nguy cơ) làm cho bệnh loãng xương ở người cao tuổi tăng lên nếu như trên cơ thể người đó có tiền sử bị còi xương lúc còn nhỏ, hiện tại đang bị suy dinh dưỡng hoặc hàng ngày ít vận động, hoặc do béo phì. Bên cạnh đó, một số người do dùng một số thuốc kéo dài hoặc lạm dụng chúng có thể gây nên loãng xương như corticosteriod (điều trị khớp, hen, dị ứng…), hoóc-môn tuyến giáp, thuốc chống có giật, thuốc kháng axít chứa nhôm (điều trị bệnh đường tiêu hóa), heparin dùng để phòng đông máu. Ngoài ra, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, đi guốc cao gót… là những yếu tố góp sức gây bệnh loãng xương.
Biểu hiện của bệnh
Loãng xương là chứng bệnh làm cho xương bị yếu và giòn, dễ gãy hơn bình thường. Ở giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc hiệu ngoài những dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên. Càng về sau đau nhức xương rõ rệt hơn và hay gặp là đau lưng, đau chân tay, các khớp và mỏi bại. Đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như: xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, các xương dài (xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay), dễ dàng bị gãy xương do bị ngã, vấp. Đau nhức xương và các khớp xương thường rõ nhất vào ban đêm. Ngoài ra, chuột rút cũng thường hay xuất hiện.
Biến chứng gì?
Khi bị bệnh loãng xương không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương, ngoài ra còn có thể cong xương, cong vẹo cột sống, cong ống chân, chiều cao giảm dần... Hiện tượng gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay rất có thể xảy ra khi có một tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân...). Trong cơ thể, loại xương nào thường chịu tác động nhiều nhất, chịu lực nhiều nhất, khi loãng xương, rất dễ bị tổn hại hơn cả (cột sống, xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay). Vì vậy, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khớp háng thường chiếm tỉ lệ cao nhất trong bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi.
Đo loãng xương
Làm thế nào để biết loãng xương?
Để biết loãng xương, hiện nay chưa có phương pháp đo lường trực tiếp lực của xương nên chỉ đo lường gián tiếp. Một trong những phương pháp đó là đo mật độ chất khoáng trong xương (bone mineral density) bằng kỹ thuật DXA hay còn gọi là đo mật độ xương, chụp -quang cột sống, xương tay, chân. Những người kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40kg, giảm trọng lượng nhanh, cơ bắp yếu, thiếu hoóc-môn sinh dục (nữ giới là estrogen và nam giới là androgen), người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, người sử dụng corticoid kéo dài... nên kiểm tra mật độ của xương.
Nguyên tắc điều trị như thế nào?
Việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu là việc làm rất có ý nghĩa để phòng bệnh loãng xương và ngăn ngừa gãy xương. Khi đã bị gãy xương do loãng xương, càng hết sức thận trọng không để gãy xương tái phát một hoặc nhiều lần. Việc điều trị loãng xương đòi hỏi phải kiên trì không phải ngày một, ngày hai. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị loãng xương là người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị. Các nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần quên uống một liều thuốc trong vòng một tuần lễ, hiệu quả điều trị đã giảm xuống đến 64%. Uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu là do thầy thuốc khám bệnh cho mình có chỉ định cụ thể.
Lời khuyên của thầy thuốc
Muốn phòng bệnh loãng xương, tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, vitamin D như tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ (chứa nhiều estrogen) vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Kiêng rượu bia, thuốc lá thuốc lào, hạn chế uống cà phê. Những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp. Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương, mỗi ngày nên tắm nắng khoảng 10 - 15 phút.
PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU
Theo suckhoedoisong.vn