Trong những năm gần đây, Bản Hồ đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa.
Nằm nép mình bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ và soi bóng xuống dòng suối Mường Hoa thơ mộng đã tạo nên cảnh sắc hữu tình cho Bản Hồ. Cùng với đó là những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân bản địa đã giúp Bản Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thôn Bản Dền - trung tâm Bản Hồ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, quê hương những làn điệu hát then quyến rũ... Không chỉ có vậy, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có, một quần thể kiến tạo bao gồm: Núi, đồi, thung lũng, suối và những cánh đồng lúa mênh mông.
Đến Bản Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, hòa lẫn những nếp nhà của người dân nằm rải rác dọc hai bờ suối. Thôn Bản Dền còn là nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve. Suối Mường Hoa được phối cảnh với một địa thế đẹp, khí hậu ôn hoà và những ngôi làng truyền thống người Tày đã tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình, mê đắm lòng người. Con suối đã quá thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây.
Khác với dòng Mường Hoa ngày ngày mang nước đến cho hàng chục bản làng, dòng La Ve chảy về Bản Dền từ trong núi cao rừng thẳm đã tạo thành từng dòng thác trong vắt. Có lẽ vì thế mà cá suối thường tập trung về đây rất đông và nhảy múa dưới dòng thác như những nghệ sỹ miệt mài biểu diễn trên sân khấu. Vì vậy, người dân địa phương đã đặt tên là thác Cá nhảy. Thác Cá nhảy là nơi lý tưởng cho những ai muốn tận tay giăng lưới bắt cá suối tươi ngon và thưởng thức món cá nướng ngay bên dòng thác. Ngoài hai dòng suối này, Bản Hồ còn có một loạt những dòng suối, con thác khác như: Tả Trung Hồ, Séo Trung Hồ... là những nơi lôi cuốn sự chinh phục khám phá thiên nhiên thơ mộng.
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, chạy xe ô tô khoảng 20 km và đi bộ gần 5km đường mòn qua các thửa ruộng bậc thang như dải lụa mềm mại uốn lượn quanh những triền núi cao, qua các con suối nhỏ và những chiếc cầu tre xinh xắn là đến thôn Séo Trung Hồ, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao thân thiện và giàu lòng mến khách. Đi qua trung tâm thôn chừng 1km đường rừng, là đến thác Séo Trung Hồ. Thác Séo Trung Hồ nằm sâu trong núi Hoàng Liên Sơn với độ cao trên 100m, nhìn từ xa như dải lụa trắng vắt ngang lưng chừng núi. Thác Séo Trung Hồ đẹp với vẻ chân chất, nồng nàn như thiếu nữ tuổi độ trăng tròn giữa núi rừng Hoàng Liên trùng điệp, vẻ đẹp mộc mạc ấy rất may chưa có bàn tay con người can thiệp vào. Thác Séo Trung Hồ tựa đoá hoa phong lan lặng lẽ khoe sắc giữa đại ngàn xanh thẳm không chỉ hút hồn những đôi lứa yêu nhau mà còn có sức lôi cuốn gọi mời du khách với những cuộc du ngoạn, khám phá và thưởng thức thắng cảnh kỳ thú của dòng thác thơ mộng.
Đến Bản Hồ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà sàn gỗ gắn bó lâu đời với cuộc sống của người dân tộc mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Du khách còn được khám phá, trải nghiệm những điều thú vị trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời vài chục đến cả trăm năm luôn được gìn giữ và tôn tạo như một minh chứng cụ thể cho nét văn hóa đặc trưng của người Tày vẫn được bảo lưu. Cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống dù gặp một chút khó khăn cho đầu ra nhưng vẫn được người dân Bản Hồ duy trì và tìm hướng đi mới.
Mỗi khi có du khách đến nghỉ chân, người dân Bản Hồ đón tiếp rất chu đáo, cởi mở. Du khách sẽ được chủ nhà thết đãi những món ngon của địa phương như cá suối Mường Hoa nướng trên than hồng, giã nhỏ cùng muối và ớt nướng thơm lừng hòa quyện với khói bếp lam chiều như muốn níu chân du khách. Du khách còn được thưởng thức xôi tím, cơm lam, thịt lợn nướng chấm lá nhội và chút ớt chỉ thiên cay se môi, hay măng chua nấu vịt. Những món ăn ngon nhâm nhi cùng chén rượu gạo thơm nồng mùi lúa mới sẽ cho du khách cảm giác chếnh choáng say trong men tình nồng ấm của người dân miền sơn cước, nhất là khi được cùng họ quây quần bên bếp lửa nhà sàn nghe kể những điều thú vị về cuộc sống của người dân nơi đây; hoặc thưởng thức những điệu múa, câu hát then, câu sli, câu lượn mượt mà, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày.
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày đã giúp Bản Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tạm biệt Bản Hồ với khung cảnh êm đềm, những mái nhà sàn xinh xắn để du khách đến một lần nhớ, vấn vương./.
ST