Cập nhật: 20/11/2016 11:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề giáo- những người thầy vẫn kiên trì làm người đưa đò thầm lặng, như một sự cống hiến không cần bù đắp.

Ảnh minh họa.

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Không thầy đố mày làm nên...

Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã thấy giá trị cao quý của nghề làm thầy, nghề dạy học. Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Trong quan niệm của nhân gian, cả Đông- Tây, Kim- Cổ đều xem nghề dạy học là nghề “ươm mầm”, “trồng người”, hay “người chở đạo”, “người đưa đò”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tặng cho ngành giáo dục Việt Nam câu khẩu hiệu để nói lên trách nhiệm cao quý của nghề giáo: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Nghề giáo đặc biệt không chỉ mang lại cho con người tri thức mà cả nhân cách để sống chân- thiện- mỹ trong cuộc đời. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Nghề giáo còn là nghề tạo ra tất cả các ngành nghề khác của thế giới loài người.

Nghề giáo và đạo lý làm thầy là cả một quá trình sự nghiệp cao quý “trồng người” của những “Kỹ sư tâm hồn”. Chặng đường khơi dậy những tâm hồn và truyền vào đó ánh sáng của tri thức lắm gian nan thử thách nhưng rất đỗi vinh quang.

Công việc của những người thầy thầm lặng mà ý nghĩa. Thầm lặng truyền đạt tri thức nhân loại đến học trò hết lớp này đến lớp khác. Thầm lặng cống hiến cả tâm- trí đến các lớp học trò như một sứ mệnh đào tạo “hiền tài” trở thành “nguyên khí quốc gia”, góp phần tạo dựng, kiến thiết quốc gia hùng mạnh, trường tồn.

Thầm lặng sống giản dị thanh bạch như biểu tượng của sự thanh cao, nhiều kiến văn, tấm gương sáng cho nhiều lớp học trò noi theo. Biết bao tấm lòng cao thượng, tâm hồn trong sáng, cốt cách thanh cao, khí phách của những người thầy không bao giờ chuyển lay, không bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng không chỉ làm lay động thức tỉnh con người, mà còn là những tấm gương sáng ngời của những con người bình dị … giống như những câu chuyện huyền thoại đang viết lên trang cổ tích giữa đời thường.

Khi chúng ta mở mắt chào ánh sáng bước vào cuộc sống, bắt đầu cuộc hành trình qua năm tháng tự khẳng định mình để khám phá ý nghĩa của thế giới loài người, thực hiện mọi hoài bão, ước mơ của bản thân. Và dể chinh phục hành trình đầy khó khăn này thì tri thức, kiến văn chính là hành trang của chúng ta và những người thầy chính là những người đưa đò thầm lặng đưa chúng ta tới bến bờ tương lai tưoi sáng.

Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải biết bao gian lao, vất vả, sự kiên trì, nhẫn nại, c1 cả thành công thất bại... Trong những khó nhọc, chông gai đó, chính những người thầy đã luôn ở bên, tiếp sức, thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức, với vai trò định hướng làm tròn trách nhiệm đưa từng học sinh qua sông bằng con đò tri thức. Và chính nhờ con đò tri thức đó, chúng ta có thể đủ sức trưởng thành vươn ra biển lớn.

Thời gian chưa bao giờ dừng lại, nhân loại mỗi ngày thêm nhiều đổi mới và không ngừng tìm hiểu khám phá sáng tạo để hoàn thiện hơn cuộc sống. Nghề giáo- những người thầy vẫn kiên trì làm người đưa đò thầm lặng, như một sự cống hiến không cần bù đắp.

Truyền thống “tôn sự trọng đạo” của người Việt Nam có từ lâu đời, được giữ gìn ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao biến cố của thời gian, nhưng truyền thống đó vẫn mãi được giữ gìn như một nét đẹp văn hóa của người Việt.

Tháng năm qua đi tình cảm ấy như khoảng trời trong xanh dẫu dông tố cũng không thể làm nhạt phai, như một mạch nguồn không bao giờ cạn kiệt, nuôi dưỡng tâm hồn người dân đất Việt. Không chỉ có  ngày 20/11 nhớ ơn thầy, mà người Việt Nam còn nhớ ơn như các bậc sinh thành: “Công cha- Nghĩa mẹ- Ơn thầy”./.

Theo Hoài Hương/VOV.VN

Tệp đính kèm