Làng nghề làm Bánh Tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội
Năm 2007 Phú Nhi đã được công nhận làng nghề sản xuất bánh tẻ truyền thống, danh hiệu làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Năm 2010, bánh tẻ Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng công nhận thương hiệu Bánh tẻ Phú Nhi cho làng nghề. Đây là cơ hội để địa phương duy trì và phát triển kinh tế bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Bên cạnh đó, để bảo vệ thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động và tổ chức các lợp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm để các hộ dân làng nghề sản xuất bánh tẻ được sạch sẽ đảm bảo chất lượng.
Tại thị xã Sơn Tây, trước kia các gia đình chỉ làm số lượng ít bánh tẻ để phụ vụ người thân, họ hàng vào các dịp lễ tết. 3- 4 hộ khác làm bán để phục vụ nhu cầu ăn sáng cho người dân quanh vùng. Đến nay, giao thông thuận lợi hơn, bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) trở thành món đặc sản được nhiều người ở các tỉnh trên cả nước biết đến và ưa chuộng, vì thế đã có đến 100 hộ trong làng chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Có những gia đình sản xuất trung bình 1.000 - 2.000 chiếc mỗi ngày.
Thời gian cao điểm của việc sản xuất và tiêu thụ bánh tẻ là từ tháng 9 đến tháng 3, đặc biệt dịp sát và sau Tết Nguyên đán. Vào thời điểm đó, mỗi ngày gia đình bà Bình và các hộ khác làm đến gần 4.000 chiếc bánh tẻ, huy động 20 nhân công gói suốt ngày đêm. Thời gian thấp điểm là khoảng tháng 4 - tháng 8. Tuy thấp điểm nhưng mỗi ngày gia đình bà Bình cũng làm đến hơn 1.000 chiếc bánh. Khách hàng của bà là khách lẻ, mỗi lần mua 20 - 50 chiếc bánh để mang về thưởng thức tại gia đình, hoặc các nhà hàng ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội đặt hàng. Thậm chí, có người mua đến 200 - 300 cái bánh để làm quà biếu cho họ hàng xa. Món bánh tẻ qua đó cũng được mang đi rất nhiều nơi khắp đất nước.
ST