Cập nhật: 28/11/2016 08:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

  Là một trong 7 thôn của xã Đồng Ích – một xã phía Nam huyện Lập Thạch, nằm bên bờ phải dòng sông Phó Đáy, làng Hoàng Chung có lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang. Thủa đó làng có tên là Trung Sơn, dân cư sống tập chung ở phía đồi Chùa, đất đai cằn cỗi, nhiều sỏi đá, lại xa trung tâm, giao thông không thuận tiện. Đầu thế kỷ XV, Lưỡng quốc tiến sĩ Triệu Thái trong một lần về thăm quê hương, thấy dân làng định cư ở vị trí không thuận tiện, làm ăn khó khăn, ông đã đề nghị nhân dân chuyển đến ở trung tâm của làng, để ổn định cuộc sống. Từ đó tên làng là Trung Sơn được đổi thàng Hoàng Chung, có nghĩa là chuông vàng, với hàm ý là luật nước được bàn định từ người Hoàng Chung. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử đến nay, ở Hoàng Chung hiện nay vẫn còn lưu giữ được gần 40 ngôi nhà có giá trị về khoa học và đời sống thực tiễn.

Giống như nhiều ngôi nhà truyền thống của người Việt ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ, các ngôi nhà truyền thống ở Hoàng Chung tuy độc lập mà vẫn hòa đồng cùng xóm làng xung quanh. Những bức tường ngăn cách với đường đi, giữa các nhà với nhau tạo nên thế khép kín cho mỗi gia đình, nhưng cũng luôn mở ra hòa nhập vào với cộng đồng làng. Quan sát những ngôi nhà của gia đình ông Trụ, ông Tiệu, ông Kiều, bà Sáp, bà Hương, bà Khen… chúng tôi đều nhận thấy rõ điều này.

Cha ông ta có câu “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”, để truyền kinh nghiệm chọn hướng khi làm nhà (bởi làm nhà theo hướng Nam sẽ mát về mùa hè, đón ánh mặt trời buổi sáng sớm). Vì thế, phần lớn các ngôi nhà truyền thống ở Hoàng Chung đều làm theo hướng Nam. Cùng với đó là cách bố trí không gian quanh nhà ở, người xưa cũng truyền dạy: chuối sau cau trước, giúp ngôi nhà ở mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Mỗi ngôi nhà truyền thống ở làng Hoàng Chung đều được chủ nhà tạo dựng thành một hệ thống các công trình, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và kinh tế gia đình. Các chức năng gồm: hàng rào, cổng, sân phơi, nhà chính, nhà phụ, giếng nước, vườn cây, ao cá, khu chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn gà.. Trong khuân viên ấy, trước đây, người Việt tạo cho mình cuộc sống theo lối “tự túc, tự cấp”. Ở Hoàng Chung bây giờ, đất chật, người đông, nên kiến trúc trên có ít nhiều thay đổi trong việc bố chí không gian sống cho gia đình. Trong khuân viên, ngôi nhà chính giữ vai trò chủ đạo, sau đó đến nhà phụ (ở đây nhà phụ thường là bếp), nối một đầu với nhau vuông góc theo hình chữ Môn. Từ bếp có cửa mở ra sân, thường ở cạnh góc sân là giếng nước, giúp việc sơ chế thức ăn được thuận tiện. Với cách sắp đặt không gian trên, bữa cơm sum họp gia đình thường được dọn ngoài thềm trải chiếu, hoặc ăn tại nhà phụ của gia đình. Dựa theo đặc điểm kiến trúc, cha ông ta đặt cho các ngôi nhà của mình là nhà đại khoa, nhà ngói bức bàn hay đơn giản là nhà tranh, nhà xây, hoặc nhà ngói…

Một ngôi nhà chính truyền thống của người Việt thông thường có kết cấu lẻ số gian nhà, theo kiểu 3 gian, 5 gian (gồm ba gian hai chái), cá biệt có những ngôi nhà 7 gian (gồm 5 gian và hai chái). Ít gia đình làm nhà với kết cấu số chẵn, trong đó vẫn có một số ngôi nhà truyền thống làm theo kiểu một chái hoặc một buồng. Đây là nơi nghỉ ngơi của phụ nữ trong nhà, thường kiêm là nơi cất chứa đồ đạc.

Kết cấu ngôi nhà truyền thống của người Việt theo lối đăng đối. Ba gian nhà ngoài thông liền nhau. Gian chính giữa là nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, cũng thường là nơi tiếp khách nên được chú trọng bài trí công phu hơn so với các gian bên cạnh. Bàn thờ tổ tiên luôn được người Việt đặt vào chính giữa của gian chính. Với người Việt, dù gia cảnh bậc nào thì bàn thờ tổ tiên đều được bầy biện thể hiện sự cung kính nhất. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi ngôi nhà mà bầy biện, trang hoàng bàn thờ tổ tiên miễn sao thể hiện được lòng cung kính biết ơn của hậu thế. Nhiều gia đình trang trí bàn thờ tổ tiên bằng những bức đại tự, cuốn thư, hoành phi, câu đối… bày tỏ truyền thống, gia phong của chủ nhà. Riêng ở Hoàng Chung, nhiều gia đình bố trí nơi tiếp khách vào gian cạnh. Ở những gia đình khá giả, gian chính trong nhà được trang trí với mô túp hoa văn trên các câu đầu, xà gồ, kẻ, bảy, vè kèo… bằng gỗ hết sức khéo léo và tinh tế, đó là những mảng chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao, mang những nét đẹp của thiên nhiên như: hoa, lá, vân mây, sóng nước… vào trong ngôi nhà người Việt truyền thống.

Trong những ngôi nhà truyền thống của Hoàng Chung, thường có từ hai hoặc nhiều thế hệ (tam, tứ đại đồng đường) chung sống. Ngôi nhà vì thế không chỉ là tài sản chung, mà còn là một mái ấm bình yên của các thành viên trong gia đình. Bởi lẽ đó, mà nhiều ngôi nhà, qua nhiều năm tháng, vẫn được các thế hệ của gia đình gìn giữ, tôn tạo. Điều này cho thấy sự bền vững của ngôi nhà Việt truyền thống.

 Ngôi nhà truyền thống ở Hoàng Chung được kết cấu với khung sườn bằng gỗ, tre gắn kết với nhau rất chặt chịa, khít khao, chắc chắn bởi mộng, và hệ thống cột,  vì kèo gỗ, đòn tay, rui mè… Ngôi nhà lớn hay nhỏ và vật liệu làm nhà tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà chất liệu gỗ khác nhau. Hầu hết, các ngôi nhà cổ ở Hoàng Chung kể từ ngày xây dựng đến nay, đã có sửa chữa ít nhiều bởi một số bộ phận trong nhà bị hư hại. Nhưng hiện tại, các ngôi nhà cổ ở đây vẫn giữ được kiến trúc cổ ban đầu, với 5 hàng cột: cột cái, con con, cột hiên, vì kèo theo kết cấu truyền thống: xà ngang, xà dọc, câu đầu, kẻ, bẩy, dui mè… được làm cầu kỳ, cẩn thận theo kiểu “ván bưng búp măng”.

Khi dựng nhà, người Hoàng Chung tùy theo điều kiện địa lý nên thường làm nhà theo kết cấu nâng sàn. Xung quanh khu nhà đó, chủ nhà vây tường, bằng gạch xây trát vôi vữa, khi cần thiết, cả một khung nhà (chỉ cần thoát ly các bức tường nhà) là có thể nâng ngôi nhà cao thêm, hoặc di dời nhà từ vị trí này sang vị trí khác một cách thuận tiện mà không cần tháo rời từng bộ phận. Điều này cho thấy sự tính toán khoa học, tỷ mỉ và tài hoa của người thợ dân gian Việt Nam trong nghệ thuật kiến trúc và xây dựng.

Phần mái các ngôi nhà truyền thống ở Hoàng Chung đều được thiết kế với độ dốc nghiêng khoảng 45 độ - để dễ dàng thoát nước, vừa tạo mỹ quan hài hòa. Đây cũng là nét chung của ngôi nhà truyền thống ở miền Bắc nước ta. Vật liệu lợp mái nhà (tùy theo hoàn cảnh kinh tế của gia chủ) mà cỏ thể là thân cỏ tranh, lá cọ, bằng rơm rạ, bằng ngói, trong đó chủ yếu là ngói mũi.

Ra – vào ngôi nhà dân gian, phải bước qua các khuân cửa kiểu “bức bàn” hay “cửa phố’. Hệ thống cửa nhà xưa gắn kết với nhau rất chắc chắn bởi cá mộng, bao gồm bộ cánh cửa, bậc cửa, ngạch cửa, then cửa; tất cả đều làm bằng gỗ. Vì nhiều lẽ, các ngôi nhà truyền thống ở Hoàng Chung thường trổ ít cửa. Để thông gió tự nhiên tạo độ thoáng khí trong nhà, người Hoàng Chung tạo các ô thoáng, ô gió phía trước bằng các con tiện gỗ trên cửa ra vào. Các ô gió này có khi trang trí khá cầu kỳ, nhưng cũng có khi để trơn rất đơn giản. Nhưng tất cả đều góp phần tạo một vẻ đẹp hài hòa, tinh tế cho ngôi nhà truyền thống.

Nhìn bên ngoài, hình thức các ngôi nhà truyền thống Hoàng Chung về cơ bản đều mộc mạc giản dị. Dù là nhà ngói cây mít, nhà ngói bức bàn, nhà đại khoa… lợp ngói âm dương, kiểu vẩy rồng hoặc ngói ống… hay thuần túy là ngôi nhà tường trình đất mái lá cũng đều được bố cục tương tự nhau, theo hình chữ nhật, tường bao, mái dốc.

Là một trong những địa phương hiện còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc, nên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch vẫn luôn gìn giữ, phát huy những nét văn hóa cổ truyền của quê hương, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng không làm mất đi nét văn hóa cổ truyền của cha ông để lại.

Một ngôi làng cổ như Hoàng Chung, với các giá trị về cấu trúc quần cư cũng như giá trị về nghệ  thuật kiến trúc nhà truyền thống  không còn nhiều lắm ở Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung. Việc bảo tồn và tôn tạo những giá trị quý giá ấy là việc chúng ta đã và đang làm, để tự răn mình và răn dạy các con cháu đời sau, không bao giờ quên nguồn gốc tổ tiên, cũng là để minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng về  “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

ST

 

Tệp đính kèm