Tháp Bình SơnVĩnh Phúc là miền đất có nhiều chùa chiền, nên từ thời Lý – Trần ở nơi này đã có rất nhiều tháp. Trong số các điểm du lịch Vĩnh Phúc nổi tiếng, có một ngôi tháp để lại ấn tượng sâu sắc đến du khách bởi độ cao của nó, vươn lên thật uy nghi, hằng năm đều thu hút rất nhiều du khách thập phương tìm đến, đó là tháp Bình Sơn. Tháp thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháp Bình Sơn
Theo hành trình du lịch Vĩnh Phúc, có dịp nghe lại nhiều câu chuyện kể thú vị về Tháp Bình Sơn. Như lời tương truyền, thì ngày xưa tháp có tới 15 tầng, trên đỉnh tháp là búp hoa sen rất đẹp. Tuy nhiên trải qua thời gian dài hiện nay tháo có 11 tầng, cao 16,5m. Tháp được xây hình vuông, nhỏ dần khi cao lên. Số gạch để xây nên ngọn tháp kì vĩ này là 13.200 viên gạch nung. Bên trong tháp là khoảng trống nhỏ chạy suốt từ chân đến ngọn. Mặt ngoài tháp được ốp gạch vuông, phủ kín, và trên đó đều có trang trí hoa văn rất phong phú như rồng, sư tử…với những đường nét tinh tế, khỏe khoắn…
Dưới chân tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau nên với những ai đến lần đầu đều có cảm giác như tòa tháp này mọc trên một bông sen lớn. Tầng tháp thứ nhất cao 2,27m bốn mặt chạm hình rồng uốn lượn. Tầng tháp thứ 2 cao 1,68m, xung quanh là những hành cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch. Cứ thế nhỏ dần lên tầng thứ 11, điểm chung là tất cả các tầng đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn đặc sắc như cánh hoa cúc, song lượn, hoa chanh,…
Điểm đặc sắc nhất của những nét chạm khắc ở đây chính là hình rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, lưng vây có răng cưa rất bệ vệ. Bên cạnh đó là hình sư tử vờn cầu. Qua nghiên cứu, thì những công trình nghệ thuật ở tháp Bình Sơn là do người dân sáng tạo nên vào thời Lý-Trần.
Ngọn tháp Bình Sơn đã gần ngàn năm tuổi, vẫn uy nghi thi gan cùng tuế nguyệt. Màu gạch nung qua bao năm tháng, nắng gió vẫn tươi rói, không một gợn rêu phong. Phải chăng sức sống bền bỉ, thách thức thời gian của ngọn tháp nổi tiếng này đã thu hút du khách tìm về du lịch tham quan, rồi lại lưu luyến nhớ tháp Bình Sơn khi rời gót.
ST