Cập nhật: 05/12/2016 09:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ninh Vân là xã bán đảo, thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm lọt thỏm giữa một bên là núi, một bên là biển. Biển ngàn đời vẫn vậy, rộng mở và bao dung. Lòng người Ninh Vân cũng mãi vậy, son sắt và kiên cường. Ninh Vân đang từng bước đổi mới, hướng tới ngày mai với niềm tự hào...

Một góc Ninh Vân nhìn từ đỉnh đèo.

Tôi đã về Ninh Vân nhiều lần. Lần đầu tiên cách đây ngót chục năm, khi theo chân những người công nhân ngành điện đi khảo sát để kéo lưới điện quốc gia về xã đảo. Đưa dòng điện về đây quả là một kỳ công, bởi không có đường bộ vào xã. Ba phía bắc, đông, nam đều giáp biển, còn lại phía tây tựa dãy Hòn Hèo cao ngất, hiểm trở. Bấy giờ, phương tiện đi lại duy nhất là thuyền chèo, nhà nào "sang" lắm mới có ghe dùng máy F5, F6 hoặc D6, D8. Cho nên đường dây điện cứ phải vượt núi mà đi. Rồi tôi cũng có mặt tại đây ngày người dân Ninh Vân hân hoan đón dòng điện lưới quốc gia về đảo. Dãy Hòn Hèo uy nghi nhiều đêm không ngủ, bâng khuâng nhìn điện sáng dưới chân mình. Không lâu sau, tôi lại về dự lễ khánh thành điểm Bưu điện văn hóa xã. Hôm ấy, người trực điện thoại “dày dạn trận mạc” của ngành bưu điện mà tay cứ run run, xúc động cầm ống nghe: “Alô! Ninh Vân nghe đây!”. Chỉ có mấy tiếng như vậy, mà người dân Ninh Vân đã phải đợi chờ từ bao đời nay. Trong niềm xúc động thiêng liêng đó, nhiều cụ già ngồi thủ thỉ kể chuyện về những ngày thơ ấu của mình nơi miền sóng nước dữ dội này. Trong câu chuyện, nghe như có cả tiếng hú gọi bầy của đàn vượn giữa núi rừng âm u những ngày Ninh Vân còn lặng lẽ giữa một bên là dãy Hòn Hèo hiểm trở, một bên là dãy Hòn Đăng vươn dài ra biển. Trải bao đời nay, đất chưa thật cũ, nhưng cũng không còn mới. Đôi bàn tay người dân Ninh Vân từng cạy cục trồng cây thầu dầu, đem ép ra dầu, thắp lên ánh sáng mà xua màn đêm và thú dữ; gieo hạt, trồng cây trên ghềnh đá mà tìm lấy trái bắp, củ khoai. Rồi súng nổ. Cùng cả nước, Ninh Vân đứng lên chống giặc. Dấu vết của những cuộc chiến tranh vệ quốc hãy còn hằn in trên từng phiến đá, mỗi thớ cây…

Hồi kháng chiến chống Pháp, ở đây chỉ có khoảng 50 hộ dân, trai tráng chỉ vài chục người, nhưng Ninh Vân cũng khiến giặc thù nhiều phen khiếp đảm. Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, số hộ dân có tăng lên một chút. Những năm 1960-1962, biết người dân ở đây một lòng theo cách mạng, giặc đem tàu há mồm đến bốc dân đi, để “tách cá ra khỏi nước”. Nhưng, mặc cho súng ống, lưỡi lê, có sáu hộ dân đã kiên cường ở lại, bám làng, bám đất. Mỗi hộ như một thành trì, một tấc không đi, một ly không rời. Giặc càn thì tránh, giặc rút lại ra. Cho nên, khó là vậy, mà ngay tại miếu Ông Cọp sát ủy ban xã bây giờ, đã diễn ra nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, quyết định nhiều công việc quan trọng của phong trào cách mạng Khánh Hòa. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Ninh Vân vẫn cách biệt với bên ngoài. Vì vậy, bệnh tật, chuyện sinh nở… luôn là những nỗi lo canh cánh của người dân. Bởi khi biển yên, đi ghe bập bềnh về tới Ninh Hòa cũng mất hơn một tiếng rưỡi, còn về tới Nha Trang khoảng hai tiếng. Cấp cứu mà như thể phiêu lưu. Sóng gió bình thường còn đưa được bệnh nhân tới đất liền. Không may, biển động thì… chịu! Cho tới năm 1981, xã Ninh Vân được thành lập từ thôn Đầm Vân, tách ra từ xã Ninh Phước. Thời điểm đó, cả xã chỉ có vài chục hộ dân sinh sống dọc theo các làng chài ven biển. Nhà cửa tạm bợ, ăn uống kham khổ, trẻ nhỏ không được học hành, vui chơi. Cho tới giờ, nhắc lại cảnh sống thời ấy, nhiều người không cầm được nước mắt.

Đêm nay trăng sáng. Tôi cùng người lái ghe già cho ghe chạy thật chậm vòng quanh Ninh Vân. Từ ngoài biển nhìn vào, Ninh Vân lặng lẽ nép mình dưới chân Hòn Hèo đầy mây phủ.

- Chỗ có ngọn đèn sáng kia là nhà tưởng niệm liệt sĩ của xã đó!

Theo tay chỉ của người lái ghe, tôi nhìn về phía ủy ban xã, đốm sáng đỏ ửng ấy nhìn như một ngọn hải đăng. Tôi nói hải đăng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nơi ấy, ghi tên 25 người con Ninh Vân kiêu dũng. Còn phía xa xa, trong chân núi Hòn Hèo kia là nơi thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã nằm xuống. Lúc chiều, men theo con đường quanh co trên triền đồi, tôi đã tìm đến bia tưởng niệm, nơi đó có mấy cháu học sinh đang quét dọn, tưới tắm hoa cỏ. Tấm bia đá đơn sơ, giản dị ghi: “Nơi đây, ngày 1-3-1968, tàu 235 Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường khu 6 đã chiến đấu với bảy tàu chiến và hai liên đoàn biệt động Mỹ, ngụy, vẫn thả hàng an toàn và kịp thời hủy tàu. 14 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Theo tài liệu ghi lại, tối 29-2-1968, tàu C235 đến vùng biển Nha Trang, chuyển hướng vào bờ. Phát hiện tàu ta, địch lập tức huy động nhiều tàu chiến bao vây, hòng bắt sống. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khéo léo điều khiển tàu lách qua đội hình địch, đến được bến Ninh Phước và thả hàng xuống nước. Sau đó, anh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại trực tiếp điểm hỏa bộc phá hủy tàu. 2 giờ 40 phút ngày 1-3-1968, một cột lửa bùng lên, kế đó là tiếng nổ dữ dội, chấn động tới Nha Trang. Sức công phá khủng khiếp của khối thuốc nổ khiến con tàu 235 đứt làm đôi, một nửa chìm xuống đáy biển, nửa còn lại văng lên nằm lưng chừng trên núi Bà Nam. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh anh dũng hy sinh cùng 13 đồng đội, khi đang ở tuổi 35.

Những mảnh vỡ con tàu giờ không còn là những khối sắt vô hồn, mà đã thành chứng nhân của trí thông minh, lòng quả cảm và đức hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam cho cuộc chiến vì chính nghĩa; thành khúc tráng ca bất tử của những người giữ nước trên vùng biển Ninh Vân, Hòn Hèo. Thời đó, kẻ thù đã tìm mọi cách ngăn chặn con đường vận tải trên biển của ta, bởi chúng đánh giá đây là con đường “cực kỳ nguy hiểm”. Nhưng, qua bao nhiêu bủa vây, thủy lôi, tàu chiến, đoàn tàu không số vẫn lặng lẽ kiên cường vượt đại dương mịt mùng hàng nghìn hải lý chi viện kịp thời, hiệu quả cho chiến trường miền nam.

Bây giờ, ở Khánh Hòa, trên quần đảo Trường Sa, đã có đảo mang tên Phan Vinh, ngày ngày được quân, dân chăm chút dựng xây. Và ngay nơi anh hy sinh, bên bờ biển quê hương lộng gió, đã có một ngôi trường cấp II khang trang mang trên Nguyễn Phan Vinh, được đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2008-2009. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tìm hiểu về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, về đoàn tàu không số và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Hằng tuần, các em học sinh thay nhau đến bia tưởng niệm chăm sóc, hương khói.

 

Học sinh Trường tiểu học Ninh Vân dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tàu C235.

Cách biệt quá, đi lại khó khăn quá, người dân Ninh Vân luôn khao khát một con đường giao thông kết nối với bên ngoài. Khởi công năm 2007, đưa vào sử dụng năm 2011, con đường đèo dài 11 km quanh co trên sườn núi Hòn Hèo, có độ cao từ 400 đến 500 m so với mặt biển, nối liền xã đảo Ninh Vân với xã Ninh Phước; được xem là chiếc chìa khóa vàng mở ra nhiều cơ hội mới cho Ninh Vân phát triển. Con đường giúp đời sống người dân thay đổi chưa từng có; cho Ninh Vân thật sự hòa mình vào cuộc sống rộn ràng và khốc liệt thời thị trường. Trước nay, ở đây không hề có tiếng xe gắn máy; giờ họ mua thật nhiều để đi cho đã. Cũng có nhiều người lo ngại rằng khi có đường, không gian tĩnh lặng hằng có của Ninh Vân sẽ bị phá vỡ. Trước giờ, người dân đi chợ, đi lên núi lấy củi vắng nhà hàng tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn nữa mà chẳng cần phải đóng cửa gì... Nhưng, tới nay, tôi vẫn cảm được những nét chân chất, hồn nhiên của Ninh Vân trong lòng phố xá xôn xao. Như trong câu chuyện cùng chúng tôi, anh Phạm Văn Hiệp, một trong những người trồng tỏi có tiếng của Ninh Vân bảo:

- Nhà tôi nhỏ nhỏ vậy chớ biểu đem đổi lấy nhà lầu ở Nha Trang không đời nào tôi đổi!

Hỏi tại sao, anh cười hiền:

- Mình sống ở đây quen rồi. Về phố ồn lắm, chịu không nổi!

Từ đỉnh đèo nhìn xuống, diện mạo Ninh Vân nay đã khác hẳn. Nhà cửa đàng hoàng hơn trước rất nhiều. Lô nhô ngói đỏ nổi bật giữa trời xanh, biển xanh. Phía dưới chân núi là những vạt đất vuông vức trồng tỏi. Có cả sân bóng đá cỏ non xanh mướt. Bí thư Đảng ủy xã Trà Văn Hải cho biết, Ninh Vân hiện có 526 hộ với hơn 2.020 nhân khẩu. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 14 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,15%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Trước mắt hãy còn nhiều khó khăn, nhưng Ninh Vân hạ quyết tâm đến năm 2018 hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bà con ở đây từ lâu đã có nghề lặn bắt cá tôm, nhất là tôm hùm con. Trước đây, mỗi con tôm hùm con chỉ bằng đầu đũa được bán tới 200 nghìn đồng, một ngày có người bắt được đến năm, bảy con. Hiện Ninh Vân có diện tích gieo trồng 50 ha, chủ yếu là trồng tỏi, xen canh hai vụ/năm. Đất ở đây trồng tỏi rất tốt; năng suất, chất lượng đều cao; một héc-ta tỏi đem lại thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm, chưa kể thu nhập từ hoa màu trồng xen giữa vụ. Anh Hiệp khoe, thu nhập từ cây tỏi đủ trang trải sinh hoạt; nuôi con ăn học và mua thêm đất mở rộng sản xuất. Cho nên đây là một loại cây trồng được xã rất quan tâm. Ninh Vân không chỉ có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đánh bắt hải sản mà còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch với bãi biển đẹp, nước trong xanh, khung cảnh núi non hùng vĩ, môi trường trong lành. Đến nay, có nhiều dự án du lịch đang đi vào hoạt động, thu hút khách du lịch hạng sang, như khu nghỉ dưỡng năm sao Six Senses Ninh Vân Bay; Villa An Lâm Ninh Vân Bay... có giá lưu trú tới cả nghìn USD mỗi đêm.

Sáng 21-10, cùng cả nước, Khánh Hòa tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Địa điểm con tàu C235 hy sinh, từ năm 2014 đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Dịp này, Khánh Hòa vừa kịp khánh thành công trình nâng cấp khu tưởng niệm, di tích lịch sử tàu C235 và bia lưu niệm tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ tổ công tác HP 19 làm nhiệm vụ đón tàu không số tại bến Hòn Hèo.

Những ngày này, đến Ninh Vân, có thể cảm nhận được không khí, tình cảm nồng ấm người dân dành cho những người đã ngã xuống. Ninh Vân rộn ràng cờ hoa. Người lớn, trẻ em, cùng chung tay dọn dẹp, trang trí khu di tích. Một trong những ước nguyện lớn nhất của bà con là trục vớt phần còn lại của con tàu C235 đang còn nằm dưới đáy biển, đem lên bờ gắn với các công trình hiện có để xây dựng thành một quần thể di tích giàu tính thuyết phục. Mọi người cùng tin, nơi đây sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhân dân cả nước và du khách quốc tế.

Bài và ảnh: PHONG NGUYÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm